Ngày nay, những chiêu lừa đảo trong mua bán nhà đất ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Nếu không thận trọng và kỹ lưỡng, bạn rất có thể rơi vào những màn kịch mà chúng đã chuẩn bị sẵn.
Dưới đây là những thủ đoạn thường gặp khi mua bán nhà đất:
1. Giấy tờ có công chứng nhưng sổ đỏ là giả
Kẻ gian làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc vờ báo mất để cơ quan nhà nước cấp lại. Sau đó, chúng dùng giấy này đem công chứng, tạo dựng lòng tin để chuyển nhượng.
Văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và tình trạng thửa đất (tranh chấp, kê biên, thế chấp...) mà không có trách nhiệm hay khả năng chuyên môn nghiệp vụ để xác nhận sổ đỏ là thật hay giả. Lợi dụng điểm này, kẻ gian dễ dàng qua mắt người mua, chiếm đoạt tài sản.
Để tránh bị lừa, bạn hãy cùng chủ sở hữu mang sổ đỏ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên môi trường kiểm tra và xác minh. Nếu kết quả là thật, bạn có thể yên tâm ký hợp đồng mua bán, đặt cọc, giao tiền.
2. Nhiều người cùng đứng tên một bất động sản
Trong số những chiêu trò lừa đảo trong mua bán nhà đất thì đây có lẽ là hình thức thường gặp nhất. Chỉ cần người mua lơ là cảnh giác và không chú ý là dễ dàng rơi vào bẫy. Với chiêu trò này, đầu tiên đối tượng sẽ đăng tin rao bán với giá tương đối thấp so với thị trường. Trong đó, có hình ảnh sổ đỏ, giấy tờ nhà đất rõ ràng, đi kèm với lời mời gọi hấp dẫn…
Sau khi tiếp cận được "con mồi", kẻ lừa đảo dụ dỗ họ xuống tiền đặt cọc. Hoặc chồng một phần tiền với cam kết chỉ bằng giấy tay. Sau khi nhận được tiền chúng "biến mất" như bọt xà phồng và người mua chịu cảnh điêu đứng.
3. Lừa mua nhà đất đang bị kê khai tài sản
Đây là trường hợp trớ trêu khi bạn mua phải nhà đất người phải thi hành án. Giữa thời gian tòa tuyên án đến lúc thi hành, những người này sẽ tìm mọi cách để nhanh chóng bán nhà, sang tên cho bạn để lấy tiền mặt. Sau đó, họ sẽ tẩu tán số tiền này chứ không dùng để thi hành án theo yêu cầu của tòa.
Dù bạn đã công chứng sang tên nhưng vấn đề ở đây là theo điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi hành án dân sự quy định:
"Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự."
Do đó, nếu người bán không còn tài sản khác và không đủ tài sản để thi hành án thì căn nhà bạn vừa mua vẫn bị kê biên! Một khi bạn muốn giành lại thì tranh chấp xảy ra, việc này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối, nhiêu khê. Bạn cũng có thể phải tốn thêm nhiều tiền thuê luật sư giải quyết theo đúng pháp luật.
4. Giấy tờ nhà đất là thật nhưng người bán không phải chủ sở hữu
Kẻ lừa đảo tự xưng chủ sở hữu, cho xem sổ đỏ thật, khiến bạn tin tưởng đặt cọc giao tiền. Thực chất, chúng giả danh người mua nhà, liên hệ với người đang có nhu cầu chuyển nhượng, yêu cầu cho xem sổ đỏ rồi xin bản photocopy để làm sổ giả.
Sau đó, một kẻ khác tiếp tục đóng vai người đi xem nhà, đề nghị chủ nhà cho xem sổ đỏ, lợi dụng sơ hở sẽ đánh tráo. Chiêu lừa thành công, chúng dùng giấy tờ thật, tự xưng chủ sở hữu rồi bán nhà đất cho người khác.
Để phòng dính bẫy này, người mua cần kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và thông tin nhân thân của chủ sở hữu. Cách tốt nhất, bạn nên kiểm tra thông tin tại cơ quan nhà nước để biết thực trạng thửa đất và người đang sở hữu.
5. Đóng vai người mua bán nhà đất để đẩy giá lên cao
Hình thức lừa đảo này được áp dụng khi người mua còn đang phân vân, lưỡng lự về căn nhà/miếng đất vì giá của nó cao hơn nhiều so với thị trường. Thì đột nhiên có người đến hỏi mua lai chính mảnh đất đó với giá cao hơn rất nhiều so với giá mà người mua đang trả cho bất động sản đó. Thậm chí còn đặt cọc để tạo sự tin tưởng. Vậy là người mua sập bẫy mua liền bất động sản đó mà không hề hay biết rằng mình đã dính vào một trong những chiêu trò lừa đảo trong mua bán nhà đất.
6. Quảng cáo một đằng, bán đất một nẻo
Kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để bán không đúng loại đất, chẳng hạn bán đất ở nhưng thực chất là đất nông nghiệp, đất đang đợi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất vườn...
Người mua không nên tin 100% lời quảng cáo của người bán mà cần có những nguồn tin khác liên quan thửa đất, xác minh tại cơ quan nhà nước.
7. Lừa đảo mua bán nhà đất qua hợp đồng vi bằng
Các trường hợp lừa đảo mua bán nhà đất qua hợp đồng vi bằng thường xảy ra ở những quận, huyện vùng ven thành phố. Những kẻ lừa đảo nhà đất đã gom đất xây nhà rồi chia ra bán từng căn theo vi bằng.
Sau đó, những kẻ lừa đảo nhà đất sẽ sử dụng các từ như "vi bằng công chứng thừa phát lại" hay "công chứng thừa phát lại" để dụ dỗ người mua nhà thiếu hiểu biết vào tròng. Bạn nên nhớ rằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Việc lập vi bằng thực chất chỉ là xác thực giao dịch xảy ra, có việc trả tiền của người mua và nhận tiền của người bán, chứ chưa thể xác thực tính đúng đắn theo pháp luật của giao dịch đó. Trong trường hợp đất "dính" tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép,… thì việc lập vi bằng trên không còn giá trị.
Theo Nam Vũ/Gia Đình và Xã Hội