10 năm giá điện chỉ tăng và chưa giảm
Cụ thể, năm 2009 giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/kWh, sau đó tăng lên 1.058 đồng/kWh vào năm 2010.
Năm 2011, giá điện bán lẻ bình quân tăng 2 lần từ 1.058 đồng/kWh lên 1.220 đồng/kWh, và từ 1.220 đồng/kWh tăng lên 1.304 đồng/kWh.
Cũng trong năm 2012 giá bán lẻ điện tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh; và sau đó tăng lên 1.437 đồng/kWh.
Đến năm 2013 giá điện được tăng lên 1.508 đồng/kWh, năm 2015 là 1.622 đồng/kWh, đến năm 2017 giá điện tiếp tục tăng lên 1.720 đồng/kWh; và sau đó đến năm 2019 tăng lên 1.864 đồng/kWh.
Mới đây nhất, đầu tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Dù vậy, EVN vẫn tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9/2023.
EVN cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.
|
Từ năm 2019 đến nay EVN đã 9 lần tăng giá điện - Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn |
Kết quả kinh doanh 10 năm qua
Việc thua lỗ nghìn tỷ của EVN trong giai đoạn qua một trong những nguyên nhân Tập đoàn này liên tục đề xuất tăng giá điện.
Năm 2013, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN lên tới 169.905 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 đạt 1473 đồng/kwh. Trong khi đó, tổng doanh thu bán điện 2013 là 172.903 tỷ đồng. Giá bán điện EVN đã thực hiện được đạt 1499,82 đồng/kwh. Như vậy, giá bán của EVN đã cao hơn giá thành và EVN có lãi.
Tổng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các hoạt động liên quan đến điện của tập đoàn này năm 2013 đạt 4.938,44 tỷ đồng.
Năm 2014, EVN tiếp tục báo lỗ 8.000 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá mua than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… Cộng với khoản lỗ treo 8.800 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá được treo từ những năm trước khiến số lỗ của doanh nghiệp này lên đến xấp xỉ 17.000 tỷ đồng.
Năm 2015 tăng giá điện 7,5% giúp tập đoàn EVN tăng doanh thu 13.000 tỷ đồng, tránh lỗ 12.000 tỷ đồng năm 2015, có thể lãi 1.500 tỷ đồng trong cùng năm.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016, trong 6 tháng đầu năm, EVN đạt gần 131.000 tỷ doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng hơn 19.200 tỷ (17%) so với cùng kỳ năm 2015. Lãi gộp qua đó tăng tới 34%, đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng tăng hơn gấp đôi, từ 1.500 tỷ lên hơn 3.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng đột biến từ 7.700 tỷ lên gần 15.500 tỷ đồng kéo lợi nhuận không chỉ giảm mạnh so với cùng kỳ mà còn khiến EVN bị lỗ ròng 930 tỷ đồng.
Năm 2017 hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Tuy nhhiên, EVN lại lỗ khoảng 1.300 tỷ đồng do chi phí bán điện không đủ bù chi phí sản xuất kinh doanh.
Kết thúc năm tài chính 2018, EVN đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 338.500 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù có khoản lợi nhuận khá lớn lên tới 53.158 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, nhưng do chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 29.054 tỷ đồng (tăng gần 23,4%) và chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều tăng, nên lợi nhuận trước thuế của EVN đạt 9.076 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của EVN còn lại 6.817 tỷ đồng.
Năm 2019, EVN thu về gần 12.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38% so với năm 2018. Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp của tâp đoàn này là 9.720 tỷ, tăng 43%.
Trong năm 2020, EVN và các công ty con cơ bản đều có lãi, với lợi nhuận sau thuế đạt 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỉ đồng so với trước.
Năm 2021 EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 426.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6% và lợi nhuận trước thuế tăng lên gần 18.000 tỷ đồng, tăng 17%.
Ngày 31/3/2023, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN của Bộ Công Thương công bố cho thấy, năm 2022, EVN lỗ hơn 26.235 tỷ đồng.
Trước thực trạng EVN báo lỗ triền miên, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề về việc, tại sao bao nhiêu năm qua, EVN không cân đối được nguồn điện, cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, trong khi đó còn phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng.
Vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, cần thành lập đoàn thanh tra để xem xét, xử lý nghiêm một số vấn đề như xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét lại; Làm rõ tại sao EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới đây.
Minh Quang (tổng hợp)