|
Grab khẳng định việc mua lại Uber Đông Nam Á đúng luật. |
Trả lời VnEconomy về việc tuân thủ pháp lý khi mua lại Uber Đông Nam Á, đại diện Grab khẳng định: Grab đã thực hiện các phân tích pháp lý một cách cẩn trọng và toàn diện cùng với các chuyên gia tư vấn pháp lý của mình trước khi tham gia ký kết và hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh này nhằm đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại, trong đó có cả pháp luật về cạnh tranh.
"Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến giao dịch mua lại này khi có yêu cầu", đại diện Grab cho biết. Hãng này cũng khẳng định, việc mua lại Uber Đông Nam Á sẽ tạo thêm sự sôi động và cạnh tranh trên thị trường.
Trước đó, Grab Việt Nam thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab.
Việc Grab thâu tóm toàn bộ Uber khu vực Đông Nam Á đặt ra dấu hỏi về tính pháp lý mua bán - cạnh tranh chiểu theo Luật cạnh tranh.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thuương) thừa nhận, trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber hoàn tất, Cục Quản lý cạnh tranh không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế.
Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa yêu cầu Grab và Uber cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét về tính pháp lý.
"Trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh ", ông Tuấn nói và cho biết thêm, hiện đang chờ hồ sơ từ Grab và Uber, chưa nói trước được khi nào có kết quả kiểm tra.
Theo Kiều Linh/VnEconomy