Tài xế Grab tắt app, hô khẩu hiệu yêu cầu giảm chiết khấu Sáng 15/1, hàng trăm tài xế là đối tác của Grab tại Hà Nội tổ chức diễu hành, phản đối chính sách chiết khấu mà hãng này đơn phương áp dụng với đối tác.
Theo nguồn tin của Kr-asia, Grab được cho là đang đàm phán với Uber về việc mua lại mảng vận hành tại Đông Nam Á của đối thủ, nhằm tăng cường vị thế tại thị trường giao thông chia sẻ đang phát triển nhanh chóng trong khu vực.
Uber đã phải bán lại mảng vận hành tại Trung Quốc cho Didi Chuxing năm 2016, để rút lui khỏi thị trường này và di chuyển nguồn lực nhằm chiếm thị phần tại thị trường Đông Nam Á đang phát triển nóng. Đây là thị trường Internet lớn thứ 4 thế giới. Khu vực Đông Nam Á đang có dân số trẻ cùng lượng khách hàng có tiềm lực ngày càng tăng lên, những người có thu nhập tốt và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
|
Grab và Uber Đông Nam Á liệu có về chung một nhà trong tương lai? Ảnh: Kr-asia. |
Với triển vọng tích cực của ngành giao thông chia sẻ, thị thường Đông Nam Á đang ngập trong vốn đầu tư vào ngành này cũng như sự nổi lên của những hãng gọi xe địa phương. Uber đã luôn bị thách thức từ những hãng này kể từ khi gã khổng lồ gọi xe Mỹ bước chân đến sân nhà của họ. Có thể kể đến những cái tên như Go-Jek từ Indonesia hay Grab đang nổi trội tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Đáp ứng nhu cầu tại khu vực
Grab tự khẳng định vào năm ngoái rằng hãng đã nắm 95% thị phần ứng dụng gọi taxi bên thứ ba và 71% thị phần gọi xe cá nhân, cũng như hoàn thành 1 tỷ cuốc xe tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, Uber chưa từng công bố thị phần tại thị trường này, nhưng hãng từng công bố hồi tháng 7/2017, rằng đã vượt mốc 5 tỷ cuốc xe toàn cầu. Tuy nhiên Uber lại chưa từng đưa ra con số cụ thể cho các thị trường dù vận hành tại hơn 80 quốc gia.
Nổi lên từ Malaysia, Grab đưa ra lượng dịch vụ đa dạng tại hơn 160 thành phố khắp các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, India, Thái Lan, Philppines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Uber hiện chỉ vận hành tại 60 thành phố trong khu vực Đông Nam Á.
Sự trỗi dậy của Grab có thể phần nào giải thích được nhờ sự am hiểu thị trường địa phương, cũng như những điều chính để thích nghi với nhu cầu riêng của từng thị trường.
Ví dụ, Grab rất linh hoạt trong phương thức thanh toán và chấp nhận cả tiền mặt cũng như thẻ ngân hàng. Điều này đã thu hút các tài xế, bởi khách hàng tại khu vực này vẫn rất ưa chuộng tiền mặt. Uber trong khi đó lại chậm tay hơn trong việc chấp nhận thanh toán tiền mặt.
Hơn nữa, Grab cũng được cho là lắng nghe nhiều hơn tới nhu cầu của tài xế địa phương.
Dựa trên thực tế rằng nhiều tài xế không đủ kinh phí để có được một chiếc smartphone hay không biết cách sử dụng thiết bị này, Grab đã làm việc với một vài hãng điện thoại, để đưa đến những dòng máy giá rẻ tới với những tài xế không có điều kiện kinh tế cũng như đào tạo tài xế sử dụng ứng dụng.
SoftBank muốn hợp nhất
Việc sát nhập Grab và mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber không phải là một ý tưởng mới. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bơm hàng tỷ USD đầu tư vào Uber trong năm 2017. Theo giới phân tích, SoftBank có thể sẽ gây áp lực để hợp nhất Grab và mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber qua thương vụ này, khi mà nhà đầu tư từ Nhật đã nắm ghế lãnh đạo tại cả hai công ty.
"SoftBank sẽ đóng vai trò hợp nhất", một nguồn tin thân cận với Grab chia sẻ với truyền thông năm ngoái, sau thương vụ tại Uber. Nguồn tin này cũng chia sẻ rằng SoftBank đang có mặt trong ban lãnh đạo của cả Grab và Uber, cuộc đối thoại giữa hai hãng cũng vì thế mà có thể biến chuyển rõ rệt.
Theo Ngô Minh/Zing