Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Như Thanh tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt đầu khởi động lại các dự án xây dựng nhà ở dân dụng, công trình có vốn đầu tư nhà nước.
Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, sau những lần giá xăng dầu tăng đột biến thì các loại nguyên vật liệu cũng liên tục tăng. Ông Thông cho biết, hiện tại, các loại vật liệu đã tăng giá trên 5% và sẽ còn tăng thêm sau kỳ xăng dầu tăng giá mới nhất.
|
Một doanh nghiệp vận tải ở TPHCM cho biết họ lao đao vì giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Hương Chi
|
Đại diện Công ty TNHH Vận tải Toàn Thắng ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hàng trăm đầu xe chạy tuyến cố định Vũng Tàu-TPHCM cho biết, chi phí cũng tăng cao khi xăng dầu tăng giá. Thời điểm hiện tại, nhu cầu đi lại chưa nhiều, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá vé, giá cước hàng hóa để dần lấy lại thị trường, vì thế công ty càng thêm lao đao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty TMDV Hàng hóa Phương Nam (Bình Dương), đơn vị đang cung cấp các dịch vụ vận chuyển cho biết, giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5-7%, buộc đơn vị phải có phương án thay đổi giá.
Ông Sang cho rằng, trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu khoảng 35% giá cước. Vì thế, nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện lỗ nặng.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics.
Trước đây mỗi container có giá hơn 5.000 USD/container nhưng nay tăng hơn 10.000 USD/container. Việc tăng giá liên tục gây sức ép lớn cho ngành vận tải dịch vụ logistics, buộc chúng tôi phải cắt giảm mọi chi phí để thích ứng, tồn tại”, ông Xô nói.
Nguy cơ chậm tiến độ đầu tư công
Năm 2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt thấp. Đánh giá về nguyên nhân, UBND tỉnh Đồng Nai nói rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì việc thiếu quyết liệt, năng lực yếu của các chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng là nguyên nhân dẫn tới kết quả trên.
Trong khi đó, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Năm 2022, các dự án đầu tư công của tỉnh Đồng Nai khoảng 700 tỷ đồng, hiện các nhà đầu tư đang than trời trước tình hình giá nhiên, vật liệu đầu vào tăng như hiện nay”.
Theo ông Ân, giá nguyên liệu phục vụ xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư. Tuy nhiên tất cả đều phải thực hiện theo hợp đồng đã ký, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng yêu cầu về tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Tương tự, một nhà thầu thi công tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết cho biết, dự án đang bị thúc tiến độ để hoàn thành vào cuối năm nay nhưng sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đã đề nghị đàm phán lại hợp đồng. Giá xăng dầu tăng sẽ tác động tiêu cực tới giá nguyên liệu, làm chậm quá trình thi công cao tốc.
Theo Mạnh Thắng-Hương Chi-Duy Quang/Tiền Phong