Một lít xăng cõng 4 nghìn tiền thuế môi trường
Theo ông Hồ Đức Phớc, điều quan trọng cần phải xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng về những tác động của chính sách này. Bởi trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có chính sách giảm thuế tới 64 nghìn tỷ đồng.
“Bây giờ phải tính toán xem mức giảm như thế nào để vừa đảm bảo được chính sách tài khoá, vừa đảm bảo được vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu, cùng với đó là giải pháp chống buôn lậu… Vì khi giá xăng dầu trong nước giảm xuống, giá xăng dầu của một số nước xung quanh vẫn cao, nên cần phải có giải pháp để chống được buôn lậu sang các nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và sẽ đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề này”, ông Phớc thông tin.
|
Bộ Tài chính sẽ xem xét chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
|
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng dầu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ là cơ quan trình. Còn các loại thuế khác như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… thuộc thẩm quyền của Quốc hội. “Trước tiên, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu chính sách thuế về môi trường với mặt hàng xăng dầu”, ông Phớc nêu.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường. Trong đó xăng dầu nhập khẩu chịu 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế bảo vệ môi trường đối với 1 lít xăng khoảng 4.000 đồng, 1 lít dầu khoảng 2.000 đồng. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng. Giá xăng dầu của một nước phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi một quốc gia (thuế).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn là: 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như xăng E5, E10 (chứa 5% - 10% ethanol) thì chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hoá thạch kết cấu trong xăng sinh học.
“Nhiều người nói, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì Việt Nam có 2 van để giảm giá là thuế và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, Quỹ Bình ổn thì không bàn nữa vì chuẩn bị âm. Bộ Tài chính đang nói thuế xăng dầu của Việt Nam không cao, thấp hơn nhiều nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần phải giảm”, ông Long bày tỏ.
Vừa qua, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Chính phủ, Quốc hội đã tính gói giảm thuế. Bộ Tài chính cho rằng, ngân sách đang gặp khó khăn nên nếu tiếp tục giảm thuế sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Quốc hội đã chốt giảm thuế giá trị gia tăng 2% ở một số mặt hàng, trừ những mặt hàng thuộc diện có thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhà nước không giảm, trong đó có xăng dầu vì mặt hàng này nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, ảnh hưởng tới môi trường. “Vậy thì chỉ còn thuế bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi thấy thuế bảo vệ môi trường hiện đang ở mức cao. Một lít xăng cõng 4.000 đồng. Phải chăng nên xem xét lại mức thuế này”, ông Long nói.
Chỉ có tác dụng trong ngắn hạn
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, kể từ thời điểm 1/1/2022, giá xăng dầu thế giới tăng khoảng 25%. Tại Việt Nam giá xăng dầu chỉ tăng khoảng 12,7%, bằng khoảng một nửa mức tăng của thế giới. Việc điều hành giá xăng dầu phải theo giá thế giới chứ không thể có tư duy “một mình một chợ”.
“Sau phiên điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 21/2 thì Việt Nam ở hạng 77/168 quốc gia về thuế xăng dầu, nhưng vẫn thấp hơn mức thuế xăng dầu của các nước trong khu vực. Vì thế, không có lý gì để hạ thuế cả”, ông Thịnh nêu quan điểm, đồng thời dẫn chứng, hiện mức thuế, phí của Việt Nam trong giá xăng dầu rất thấp (khoảng 38,2%). Nếu giảm nữa thì quá thấp so với ngưỡng của các quốc gia xung quanh và thế giới.
Theo ông Thịnh, việc can thiệp giảm giá xăng dầu sẽ kéo theo một số hệ luỵ, như có thể phát sinh tình trạng buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài để hưởng chênh lệch giá, hay tạo ra tình trạng “khuyến khích” các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu hơn. “Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì phải hỗ trợ bằng cách khác, đừng có kỳ vọng hạ giá xăng dầu, bởi không thể giữ mãi mức giá xăng dầu thấp hơn mức tăng của thế giới được”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam phải đi nhập khẩu xăng dầu, vì thế nguyên tắc thế giới tăng giá thì Việt Nam cũng phải tăng giá theo. Trước nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể giảm lượng xuất khẩu dầu khai thác được để dành cho các nhà máy lọc dầu trong nước, ông Thịnh cho biết, vấn đề này liên quan đến yếu tố kỹ thuật. “Dầu của Việt Nam khai thác không phải cứ thế là chế biến được. Nên vẫn phải xuất khẩu và nhập khẩu loại dầu phù hợp về để chế biến”, ông Thịnh cho biết.
Ông Thịnh nêu quan điểm không thể xây dựng thị trường xăng dầu “một mình một hướng” khi vẫn phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới. Nếu can thiệp giảm giá cũng chỉ được một thời gian ngắn chứ không thể kéo dài.
Theo ông Thịnh, vấn đề quan trọng nhất là phải tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường, doanh nghiệp lúc nào cũng “kêu” không tuân theo quy luật thị trường, nhưng thấy giá xăng tăng cao lại “đòi” theo kiểu “bao cấp”. “Trong kinh tế thị trường thì phải chấp nhận luật chơi. Điều quan trọng là chúng ta kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá hàng hoá theo đúng mức độ khi giá xăng dầu tăng để không ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.
3 doanh nghiệp chiếm thị phần gần 70%
Theo ông Ngô Trí Long, giá xăng dầu phụ thuộc vào tính chất của thị trường xăng dầu. Nếu thị trường có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không cần tham gia vào định giá mà để thị trường quyết định. Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…
Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có 38 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp nhưng riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 47% thị phần. 3 doanh nghiệp là Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm gần 70% thị phần. Do đó nhà nước vẫn phải định giá bán xăng dầu. Khi nhà nước định giá bán phải quy định tần suất điều chỉnh. Tuy nhiên điều chỉnh từ 3 - 5 ngày/lần cũng rất khó. Do đó, chỉ khi nào thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không tham gia vào việc định giá nữa.
Theo Luân Dũng - Trường Phong/Tiền phong