Giá gạo tăng cao
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hôm 8/11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam neo ở ngưỡng 653 USD/tấn, gạo Thái Lan ở mức 565 USD/tấn và Pakistan là 568 USD/tấn.
Với gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá 643 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan và Pakistan lần lượt là 526 USD/tấn và 488 USD/tấn.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 2/11, giá gạo xuất khẩu của nước ta lập kỷ lục lịch sử mới khi vọt lên 663 USD/tấn với hàng 5% tấm và 648 USD/tấn với hàng 25% tấm.
Hiện, giá gạo Việt vượt xa so với hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 88 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 85 USD/tấn; gạo 25% tấm của nước ta giá cũng cao hơn hàng Thái Lan 117 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 155 USD/tấn.
So với các quốc gia xuất khẩu top đầu, gạo Việt Nam đang có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Tại thị trường nội địa, theo cập nhật tuần mới nhất (26/10-2/11) từ VFA, giá lúa gạo tiếp đà tăng mạnh. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.757 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 10.033 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 có giá 15.775 đồng/kg, gạo 5% tấm là 15.636 đồng/kg, loại 15% tấm giá 15.408 đồng/kg, loại 25% tấm cũng tăng lên mức 15.033 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo, đồng thời dự báo giá mặt hàng lương thực này sẽ còn tăng thêm khi nguồn cung không còn nhiều.
Trao đổi với PV.VietNamNet xung quanh câu chuyện giá gạo Việt đắt đỏ nhất thế giới, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng đó là điều dễ hiểu. Bởi, thời gian qua, chúng ta đã tận dụng được thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn cung gạo của nước ta luôn ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chất lượng hạt gạo Việt dần được cải thiện trong những năm qua.
Những yếu tố trên đẩy giá gạo Việt tăng mạnh, vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Xuân, giá gạo tăng cao khẳng định được chất lượng của gạo Việt trên thị trường thế giới, thu nhập của người nông dân trồng lúa cũng được cải thiện.
Cảnh báo nguy cơ mất thị trường
Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - lại nhìn nhận, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. Vì khi đó, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn với chất lượng tương đương. Đơn cử gạo Thái Lan, chất lượng gạo cũng như vậy nhưng giá đang thấp hơn gạo Việt. Từ đó, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451... ).
Ví như các gói thầu của Bulog (Indonesia), doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao, và loại Bulog gọi thầu là gạo 5% tấm đang khan hiếm.
Theo ông Nam, giá gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp ngành hàng này gặp không ít khó khăn vì thói quen ký hợp đồng xuất khẩu với thời gian giao hàng xa từ 1-3 tháng. Nay, giá gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn phải gom mua để trả đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tiềm lực yếu phải hủy hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín.
|
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang đắt nhất thế giới (Ảnh Hoàng Hà)
|
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cũng thừa nhận rủi ro khi giá gạo ở nước ta quá cao. Bởi, với một số thị trường, ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng chỉ ở một mức nhất định. Khi giá quá cao, họ buộc phải tìm đến nguồn hàng khác có chất lượng tương đương nhưng giá thấp hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt rất dễ mất những thị trường này.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn ước tính, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đơn vị này dự báo, năm 2024 còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao, khó giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Lý do bởi nguồn cung gạo trên toàn cầu khan hiếm, trong khi các quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, các vựa lúa gạo ở châu Á bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (hạn hán, mưa lũ) dẫn đến sản lượng mặt hàng lương thực này sụt giảm.
Còn Việt Nam lợi thế trồng được 3 vụ lúa một năm. Trong đó, có vùng trồng 1,5 triệu ha không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Các vùng trồng khác ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng hạn mặn, song chúng ta có các giống lúa ngắn ngày cùng kinh nghiệm né hạn mặn nên sản lượng lúa vẫn ổn định.
Do vậy, Việt Nam luôn có lượng gạo lớn để xuất khẩu với giá tốt trong năm 2024.
Theo Tâm An/Vietnamnet