“Mỗi công đất trồng cam tôi đầu tư hết khoảng 120 triệu đồng, chăm tốt thì thu hoạch được 10 tấn cam. Giờ giá còn có 1-2 nghìn đồng/kg thì coi như mất trắng luôn 100 triệu đồng rồi còn gì nữa đâu mà lỗ”.
Đó là chia sẻ của anh Phan Văn Thoại, người trồng cam tại Trà Ôn (Vĩnh Long) về giá cam sành thời điểm hiện tại.
Anh Thoại cho biết, anh đầu tư trồng 50 công cam. Vườn trồng lâu nhất khoảng 8-9 năm, vườn gần đây nhất khoảng 2-3 năm. Cam trồng khoảng hơn 2 năm mới bắt đầu cho trái.
Những vụ cam đầu tiên, anh Thoại thu đến đâu có người mua đến đó với giá 20-21 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá cam liên tục xuống thấp khiến anh chịu cảnh thua lỗ triền miên.
Giá cam xuống thấp chưa từng có khiến nhà vườn ôm lỗ hàng trăm triệu đồng/ha.
Theo anh Thoại, mỗi công cam đầu tư hết khoảng 120 triệu đồng. Nếu chăm tốt sẽ thu hoạch được khoảng 10 tấn cam/công. Để hòa vốn, cam thu hoạch phải bán được với giá trên 10 nghìn đồng/kg.
“Đầu mùa tôi còn bán được giá 5-6 nghìn đồng/kg nhưng giá cam hiện tại chỉ còn 1-1,5 nghìn đồng/kg đổ lại. Vật tư, phân bón thì cao ngất, cam thì rẻ như cho. Giá năm nay quá trời tệ. Với giá này thì nhà vườn trắng tay chứ lỗ gì nữa”, anh Thoại thở dài.
Mặc dù giá cam mấy năm gần đây liên tục xuống thấp khiến anh Thoại ôm lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng anh vẫn giữ vườn cam, đến mùa lại vào phân để chờ ngày thu hoạch.
“Trồng bao năm mới được thu, giờ bảo buông là mất trắng. Phải chăm tiếp để vụ này còn vụ khác, tháng này còn tháng khác. Giờ nhà tôi còn vài chục tấn vẫn chưa bán được. Chưa năm nào giá cam lại xuống thấp như năm nay”, anh Thoại thở dài.
Trên nhiều con đường, tuyến phố tại Vĩnh Long xuất hiện nhiều điểm giải cứu cam sành.
Cùng cảnh ngộ, giá cam hiện tại ở Trà Vinh cũng chỉ còn 2.000 đồng/kg mà không có người mua hoặc chỉ mua cầm chừng.
Đứng trước vườn cam đang chín rụng đầy gốc, ông Hồ Văn Hải, trú tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết, chi phí đầu tư trồng cam năm đầu khoảng 600 triệu đồng/ha. Để hòa vốn, giá cam phải trên 10 nghìn đồng/kg.
“Năm nay, giá cam đầu mùa giảm chỉ còn từ 3-5 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại cam loại 1 chỉ còn 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng mua cầm chừng”, ông Hải nói.
Giá cam giảm sâu nhưng một số nhà vườn còn không bán được, cam rụng đầy vườn.
Theo ông Hải, giá cam giảm sốc là do diện tích trồng cam những năm gần đây liên tục tăng vọt, cung vượt cầu. Trong khi đó, cam chỉ tiêu thụ nội địa chứ không xuất đi đâu được khiến giá ngày càng xuống.
“Cam chủ yếu tiêu thụ ngoài Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chứ Sài Gòn tiêu thụ ít lắm. Giờ lại vào mùa mưa bão, các tỉnh miền Bắc cũng chuẩn bị thu hoạch cam Vinh, bưởi và các loại cây có múi khác, cam lại chỉ tiêu thụ nội địa chứ chưa xuất đi đâu được nên giá ngày càng giảm”, ông Hải phân tích.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) cho biết, giá cam hiện tại của các hộ dân trồng dưới 10 công đất đang được bán từ 3-5 nghìn đồng/kg.
“Một số diện tích cam của doanh nghiệp trồng, họ thấy giá thấp quá nên không chăm sóc, quả xấu nên giá thấp, chỉ 1-2 nghìn đồng/kg. Còn lại các hộ chăm được cam đẹp, giá vẫn bán được 3,5-5 nghìn đồng/kg”, ông Tám thông tin.
Theo ông Tám, giá cam sành giảm sâu do người dân trồng quá nhiều, cung vượt cầu. Sản lượng cam ở Trà Ôn một số năm trước chỉ 100-200 nghìn tấn/năm nhưng hiện tại đã lên tới 500 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, hiện tại miền Trung và miền Bắc đều có thể trồng cam nên mặc dù cam vẫn tiêu thụ được nhưng giá thấp.
Theo Hồng Cảnh/Người đưa tin