Thị trường TP HCM và các tỉnh, thành lân cận khoảng nửa tháng trở lại đây, mặt hàng cam sành được bày bán khắp các nẻo đường lẫn trên các mạng xã hội với giá rẻ bèo, phổ biến từ 10.000 - 11.000 đồng/kg (loại cam mới, quả to, mọng nước) và 6.000 - 8.000 đồng/kg (loại cam quả nhỏ hoặc cam để qua ngày).
Liên tục dội chợ
Một số điểm bán vỉa hè còn treo bảng "giải cứu cam sành Vĩnh Long" để tăng thêm sự thu hút. Nhiều người trẻ còn tận dụng mạng xã hội để hỗ trợ đầu ra cam sành cho nông dân. Một số TikToker tích cực chia sẻ công thức các món ăn, thức uống từ cam để tăng lượng tiêu thụ cho bà con nông dân.
Các doanh nghiệp lớn cũng tham gia hỗ trợ, như FPT Shop đã mua hơn 20 tấn cam để gửi tặng khách hàng tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Chuỗi siêu thị Saigon Co.op cùng ví điện tử MoMo triển khai thu mua 100 tấn cam sành để triển khai chương trình "Đồng hành cùng nông dân Việt - Mua cam sành giá 0 đồng", nhằm chung tay giúp đỡ nông dân miền Tây trước tình hình giá cam rớt giá mạnh.
Điều đáng nói, đây là mùa thứ hai liên tục loại nông sản này phải giải cứu. Còn nhớ, hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023, cam sành Vĩnh Long cũng dội chợ, giá tại vườn chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg, hàng trăm tổ chức, cá nhân, siêu thị, sàn thương mại điện tử đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ cam sành, giúp người nông dân thoát cảnh đổ bỏ.
Giá cam sành tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có nhích lên nhưng vẫn còn thấp Ảnh: CA LINH
Năm nay, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ghi nhận tại Vĩnh Long trong tháng 11 và những ngày đầu tháng 12, giá cam sành rớt chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhà vườn lỗ nặng. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần qua, giá mặt hàng nông sản này đã tăng trở lại nhưng còn ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Nhân (ngụ xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), than: "Cách đây 10 ngày, tôi đã hái bán 10 tấn cam sành cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg, lỗ nặng tiền công và vật tư chăm sóc. Một công đầu tư khoảng 75 triệu đồng, năng suất đạt 7 tấn/công, với giá trên lỗ 50 triệu đồng/công. Mà không bán thì cam chín rụng chỉ có hái bỏ".
Theo ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - giá cam hiện nay vào khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng nguồn cung không còn nhiều. Với giá này nhà vườn đã có lời khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Dự kiến từ đây đến cuối tháng 12, địa phương còn khoảng 15.000 tấn cam cung ứng cho thị trường. "Thường cam sành phải thu hoạch vào tháng 2 hoặc tháng 3 mới bán được giá cao. Vừa qua giá cam sành giảm sâu là do một số hộ không biết xử lý ra bông nên tới vụ thu hoạch thì trùng với mùa cam ở miền Bắc và miền Trung. Ngoài ra, miền Bắc đang lạnh nên tiêu thụ cam sành chững lại. Để giải quyết tình trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh và huyện đã khuyến cáo bà con trồng phải có liên kết với tổ hợp tác, HTX và thiết lập mã số vùng trồng" - ông Tám giải thích.
Nên giảm diện tích trồng?
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), nói rằng kinh tế năm nay khó khăn, sức mua giảm sút, gây ảnh hưởng lên tất cả các ngành, trong đó có nông sản. Riêng về cam sành có sản lượng rất lớn nhưng chỉ tiêu thụ ở nội địa nên giá giảm sâu khi bước vào chính vụ. "Người dân hiện nay cắt giảm chi tiêu, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu nên tiêu thụ cam sành cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt, các nhà vườn giảm đầu tư chăm sóc vườn cam để giảm chi phí đầu vào, giúp giảm thua lỗ" - ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, hiện một số doanh nghiệp (DN) đang làm việc với đối tác nước ngoài để xuất khẩu cam sành nhưng vấn đề là cam sành có thời gian bảo quản ngắn, dưới 1 tuần, rất khó vận chuyển đi xa. "DN phải làm việc với các nhà vườn, HTX để thay đổi phương thức sản xuất, tăng chất lượng quả và tìm công nghệ bảo quản mới có thêm thị trường xuất khẩu" - ông Mười nói.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận mặt hàng cam sành của Việt Nam rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu. "Ở các nước, cam có mẫu mã đẹp, giá rẻ và để được lâu. Các giống cam nước ngoài vừa ăn tươi, vắt nước, chế biến dễ dàng vì không có hạt. Vậy mà có nhiều thời điểm cam nước ngoài cũng phải đổ đi vì cung vượt cầu. Còn cam sành Việt Nam vỏ xù xì, mau hỏng, chỉ bán tươi ở trong nước nên thị trường rất hẹp" - ông Nguyên phân tích.
Với những bất lợi như trên, ông Nguyên cho rằng cần giảm diện tích trồng cam sành để tránh cung vượt cầu và chuyển đổi sang những cây trồng có đa dạng đầu ra. "Để tránh rủi ro nên trồng những loại quả vừa có thị trường xuất khẩu, vừa tiêu thụ được ở nội địa, lại có thể bán cho các nhà máy chế biến làm mứt, bánh, sấy… Ví dụ như sầu riêng hay mít, ngoài bán tươi ở trong và ngoài nước còn làm nguyên liệu cho rất nhiều món ăn" - ông Nguyên dẫn chứng.
Trong khi đó, một cán bộ quản lý ngành nông nghiệp cho rằng câu chuyện "giải cứu cam sành" không có bất ngờ vì đã được cảnh báo từ trước. Vài năm trước, khi diện tích trồng cam sành tăng nóng, ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo người dân nhưng không có hiệu quả. "Khi đó, giá cam sành cao, mỗi ha lãi từ 500 triệu đồng đến cả tỉ đồng nên người dân đua nhau trồng. Đất đai là của người dân, cán bộ quản lý chỉ có thể khuyến cáo chứ không thể cấm người dân trồng" - cán bộ này nhìn nhận.
Ông Nguyễn Anh Pha, Chủ tịch UBND xã Thới Hòa (huyện Trà Ôn), cho hay diện tích trồng cam sành của xã còn 1.262 ha, giá cam sành giảm từ đầu năm, sau đó tăng lên lại từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. UBND xã Thới Hòa đã khuyến cáo người trồng hạn chế sử dụng phân bón, thay vào đó dùng phân hữu cơ để giảm chi phí, áp dụng biện pháp kỹ thuật khác để đỡ thiệt hại và thường xuyên chăm sóc để cây phát triển, nếu không cây chết ảnh hưởng rất lớn.
Theo Ngọc Ánh - Ca Linh/Người lao động