Du học chưa thấy đâu, tiền đã mất: Cái giá của sự cả tin

Google News

Lợi dụng tâm lý kỳ vọng của phụ huynh và học sinh, các đối tượng đã sử dụng danh nghĩa công ty du học, học bổng quốc tế để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Cam kết đậu visa – học bổng toàn phần
Tháng 1 vừa qua, chị B.T.B. (quận Bình Tân, TP HCM) đăng ký cho con trai tham gia một chương trình “du học học bổng toàn phần tại Canada” do một trung tâm tư vấn du học quảng bá trên mạng xã hội. Chỉ sau buổi hội thảo đầu tiên, chị được mời ký hợp đồng và đóng phí xử lý hồ sơ 98 triệu đồng.
“Họ nói con tôi đã đủ điều kiện nhận học bổng 100% học phí và cam kết ra visa trong 90 ngày. Tôi tin tưởng vì có giấy mời, có dấu đỏ, cả nhân viên người nước ngoài đứng phát biểu trong hội thảo”, chị B. kể.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng chờ đợi, trung tâm đột ngột đóng cửa. Điện thoại, email, fanpage đều không liên lạc được. Chị B. sau đó mới phát hiện giấy tờ đều là giả, và “đại diện trường nước ngoài” chỉ là người phiên dịch thuê.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều địa phương khác. Các đối tượng thường thành lập trung tâm tư vấn tư nhân không phép, hoặc mượn danh các tổ chức giáo dục để tuyển sinh. Những “lời hứa hẹn như rót mật vào tai” thường gặp như: Học bổng toàn phần tại Mỹ, Canada, Úc, Singapore; Du học không cần IELTS, không chứng minh tài chính; Đảm bảo visa 100% trong thời gian ngắn; Miễn phí hội thảo, tặng vé máy bay…
Du hoc chua thay dau, tien da mat: Cai gia cua su ca tin
 Đối tượng Đỗ Thị Thu (Nguồn: An ninh Thủ Đô)
Mới đây, Cơ quan Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can Đỗ Thị Thu (sinh năm 1983, trú tại một khu đô thị thuộc quận Nam Từ Liêm) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau khi hàng loạt nạn nhân tố cáo bị lừa tiền thông qua hình thức tư vấn du học.
Với danh nghĩa “Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Global”, Đỗ Thị Thu tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu chương trình du học tại Mỹ, Úc, Canada... kèm lời mời gọi hấp dẫn: “học bổng toàn phần”, “miễn chứng minh tài chính”, “cam kết đậu visa 100%”.
Đồng thời, để tạo vỏ bọc hoàn hảo cho hành vi lừa đảo, Thu thuê giáo viên dạy tiếng Anh ngay tại công ty và cam kết đào tạo đến khi đạt IELTS 6.5 hoặc đủ điểm PTE để đủ điều kiện xin visa. Trong quá trình học, để thúc ép khách hàng tiếp tục nộp tiền, Thu tung tin đã có thư mời học và tự giới thiệu mình là đại lý của các trường tại Úc.
Đối tượng này còn hứa nếu khách nộp học phí cho mình sẽ được giảm 30% học phí toàn khóa, miễn tiền bảo hiểm và hoàn tiền nhanh hơn so với việc nộp trực tiếp cho trường, khiến nhiều khách hàng tin tưởng và nộp từ 100 triệu đến 350 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các thỏa thuận giữa Thu và khách hàng hoàn toàn không được thực hiện.
Với thủ đoạn nêu trên, Thu đã ký hợp đồng “tư vấn du học”, “tư vấn xin visa” với nhiều người và chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 3.387.950.000 đồng. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Đánh vào tâm lý muốn “đi tắt đón đầu” của phụ huynh và học sinh
Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo tương tự đang có chiều hướng gia tăng, nhằm vào phụ huynh và học sinh, sinh viên. Trang Thông tin Chính phủ và Công an các địa phương cũng đã nhiều lần cảnh báo.
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng thường lập các trang Facebook giả mạo, sử dụng logo, tên gọi và hình ảnh giống các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, sau đó chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Chúng đăng thông tin tuyển sinh với nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn học phí, học bổng toàn phần, xét tuyển đơn giản, chỉ cần học bạ hoặc phỏng vấn online…
Điểm chung là các thông tin này tạo cảm giác “cơ hội dễ dàng”, đánh vào tâm lý muốn “đi tắt đón đầu” của phụ huynh và học sinh. Khi đã thu hút được sự quan tâm, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như học bạ, địa chỉ, mã số học sinh, sinh viên, email…
Tiếp đó, các đối tượng này tiếp tục làm giả các website, email giống trường đại học thật gửi email cho phụ huynh và học sinh, sinh viên thông báo ứng viên đã đủ điều kiện tham gia chương trình du học và được nhận mức học bổng hấp dẫn, yêu cầu chuyển một khoản tiền nhất định với lý do là “phí hồ sơ”, “học phí tạm ứng”, “phí giữ chỗ”… các đối tượng thường tạo áp lực về thời gian, hứa hẹn ưu đãi nếu chuyển tiền nhanh chóng rồi chiếm đoạt số tiền trên.
Du hoc chua thay dau, tien da mat: Cai gia cua su ca tin-Hinh-2
Phụ huynh và học sinh, sinh viên cần cảnh giác trước các lời chào tư vấn tuyển sinh du học online (Nguồn: CAND) 
Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ khuyến cáo người dân:
Xác minh thông tin chính xác: Kiểm tra thông tin trường hoặc trung tâm trên website chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan chức năng tại nước sở tại như “www.moet.gov.vn” (Việt Nam), “teqsa.gov.au” (Úc), “nces.ed.gov” (Mỹ)..., xác minh qua Lãnh sự quán, Đại sứ quán nước đó tại Việt Nam.
Nếu là công ty tư vấn du học, các trung tâm tuyển sinh, phụ huynh và học sinh, sinh viên nên yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của các tổ chức đó. Trường hợp bên tuyển sinh là các trường Đại học trong nước, phải kiểm tra kỹ tính chính thống của thông báo tuyển sinh, trường hợp cần thiết có thể gọi điện đến phòng, ban có chức năng tuyển sinh du học để kiểm chứng thông tin.
Không tin vào quảng cáo cam kết đỗ 100%: Tổ chức uy tín không bao giờ yêu cầu nộp tiền khi chưa có thư mời nhập học hay thu phí “xử lý hồ sơ” để nhận học bổng.
Chỉ giao dịch qua tài khoản công ty rõ ràng: Đọc kỹ hợp đồng, yêu cầu hóa đơn chứng từ đầy đủ, làm việc trực tiếp, không chuyển tiền cho cá nhân hay tài khoản mờ ám.
Tránh truy cập các đường link lạ: Không mở liên kết, tập tin đính kèm trong email hay tin nhắn đáng ngờ.
Cập nhật thông tin phòng chống lừa đảo: Tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là học sinh, sinh viên để nhận biết thủ đoạn lừa đảo.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, lập tức dừng giao dịch: Báo ngay cho Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời, đồng thời thay đổi mật khẩu, khóa tài khoản nếu cần.

Thiên Bảo/VietnamDaily