Như Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, tại dự án trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hiền Lương (tên thương mại là Takara Hòa Bình Resort) thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình chỉ đang rục rịch san gạt cốt nền, nhưng ngang nhiên được chào bán các "sản phẩm trên giấy" rầm rộ.
Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Hiền Lương, một thành viên của OCD Land làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Bất động sản VME là đơn vị phát triển dự án. Hiện tại, các đại lý phân phối chính thức dự án Takara Hòa Bình Resort gồm: Cenland, Nevaland, Newhomes, New Sky Land, Railand, THS, Đông Dương Land, Yourhomes,VThăng Long Land, Full House, Timespro, Kim Group, ABC Land, Rồng Đất.
|
Dự án Takara Hòa Bình Resort nằm trên địa bàn xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. |
Dự án Takara Hòa Bình Resort ngang nhiên chào bán sau khi bị "tuýt còi"?
Tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 1/2022, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình ông Quách Cao Sơn đã ra văn bản số 145/SXD-QLN&TTBĐS, về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản; các dự án bất động sản đủ điều huy động vốn; các dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản và cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tại các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Trong danh sách các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã “gọi tên” dự án trồng rừng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Hiền Lương (tức Takara Hòa Bình Resort).
|
Dự án Takara Hòa Bình Resort nằm trong danh sách các dự án bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình “tuýt còi”. |
Ngạc nhiên hơn, vào ngày 7/4/2022, phóng viên đã "mục sở thị" tại dự án này cho thấy, phần lớn diện tích đất vẫn chỉ là đồi rừng rậm rạp cây cối, cỏ dại đua nhau mọc um tùm, chưa có bất kỳ một hạ tầng nào được xây dựng.
Bên trong khu đất dự án cũng chỉ xuất hiện vài ba chiếc xe tải, máy xúc đang rục rịch san gạt cốt nền, công tác giải phóng mặt bằng còn ngổn ngang. Cổng ra vào dự án thì làm tạm bợ bằng miếng tôn ghép với nhau. Các thông tin về dự án này cũng không thấy xuất hiện tại đây.
Mặc dù bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình "tuýt còi", thế nhưng không hiểu vì sao trên nhiều trang mạng xã hội và các kênh mua bán bất động sản, dự án Takara Hòa Bình Resort vẫn ngang nhiên được quảng cáo, chào bán, nhận cọc giữ chỗ, chốt căn rầm rộ?
Cụ thể, một nhân viên sàn phân phối New Sky Land khẳng định với phóng viên, dự án Takara Hòa Bình Resort đã mở bán đợt 1 với hơn 100 căn và gần như đã bán xong. Giá mỗi căn hộ giao động khoảng 21 triệu đồng/m2, tùy từng căn, view của hồ Hòa Bình, trung bình mỗi căn giao động từ khoảng hơn 5 tỷ đến 9 tỷ đồng.
Theo chính sách bán hàng của sàn New Sky Land tại dự án Takara Hòa Bình Resort, có thời hạn áp dụng từ 26/3/2022, tiến độ thanh toán được chia thành 18 đợt: Đợt đầu tiên là đặt cọc cho nhà phân phối 200 triệu đồng/căn, sau đó đợt 1 vào tiền 15%/giá trị sản phẩm, các đợt tiếp theo là 5% cho đến đợt thứ 18 khách hàng sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhân viên sàn New Sky Land tiết lộ thêm, lần mở bán đợt 2 của dự án sắp diễn ra, bên sàn đang nhận cọc giữ chỗ chỉ còn 50 triệu đồng.
Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc chủ đầu tư và các đơn vị phân phối ngang nhiên "bắt tay nhau" chào bán dự án Takara Hòa Bình Resort sau khi bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình “tuýt còi”? Chủ đầu tư và đơn vị phân phối có đang "chống lệnh" ngành chức năng tỉnh Hòa Bình, coi thường pháp luật, đẩy nhà đầu tư đối diện với nguy cơ rủi ro?
|
Dự án Takara Hòa Bình Resort đang rục rịch san gạt cốt nền, phần lớn diện tích đất là đồi rừng rậm rạp cây cối, cỏ dại. |
Chủ đầu tư vi phạm pháp luật thế nào?
Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của chủ đầu tư và các đơn vị phân phối dự án Takara Hòa Bình là cố tình huy động vốn thông qua hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản thì dự án Takara Hòa Bình chưa đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.
Theo luật sư Hoàng Tùng, dự án Takara Hòa Bình dù đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương nhưng chưa đạt tiến độ dự án. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, để được ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, dự án Takara Hòa Bình phải có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
|
Các sản phẩm bất động sản tại Takara Hoà Bình Resort vẫn nằm trên giấy được chào bán cho khách hàng. |
Việc xây dựng xong phần móng của công trình nhà ở (kể cả công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp) được xác định là giai đoạn đã thi công xong phần đài và giằng móng hoặc tới độ cao mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình nhà ở đó (theo khoản 1 Điều 9, Thông tư số 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở).
Ngoài ra, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Ngược lại, dự án Takara Hòa Bình hiện lại nằm trong danh mục các dự án không đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản được Sở Xây dựng Hòa Bình đăng tải chính thức.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối với vi phạm nêu trên, chủ đầu tư có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản theo điều 58 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Theo đó, phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động vốn không đúng quy định; phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định, hình phạt bổ sung đối với vi phạm này có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án có vi phạm.
Trong trường hợp, xác định chủ đầu tư không thông báo cho khách hàng các hạn chế về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng thuộc dự án này khi ký kết hợp đồng mua bán, chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng - 160.000.000 đồng.
Để khắc phục hậu quả, chủ đầu tư buộc phải thông báo cho khách hàng và các bên liên quan về hạn chế về quyền sở hữu nhà, công trình thuộc dự án; buộc sử dụng vốn hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang