Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), thở dài mỗi khi nhắc đến mô hình sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện, dù đã chi nhiều chi phí thuê khách sạn cho cán bộ và công nhân nhưng công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
"Chỉ một số ít công nhân chấp nhận phương án '3 tại chỗ' còn lại là nhân viên bảo vệ, văn phòng, cơ điện… Thậm chí, khi ăn, ngủ, sinh hoạt chung một trường, nhiều công nhân tỏ ra bức bối, nảy sinh cáu gắt”, ông Phẩm chia sẻ.
Do chỉ còn khoảng 1.000 công nhân (giảm hơn một nửa) nên trong tháng 8 này, Stapimex tập trung sản xuất cho các đơn hàng cũ. “Nếu từ nay đến cuối tháng 8-9, việc sản xuất bị trì trệ, tôi lo rằng khách hàng sẽ chuyển sang thu mua tôm của nước khác. Biết làm sao vì đâu có cách nào khác”, ông chủ doanh nghiệp trên 2.000 công nhân than.
Từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đang lo mất đơn hàng vì không thể sản xuất.
|
Xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ tuột dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thủy sản đuối sức vì "3 tại chỗ"
Hiện nay, hơn một nửa công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản phải nghỉ vì không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”. Các công ty đều cố gắng hoạt động, sản xuất cầm chừng.
Theo ông Phẩm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản khi tham gia “3 tại chỗ” là môi trường làm tôm ướt, ẩm, hôi tanh, không giống như doanh nghiệp khác. “Không thể dồn công nhân vào một nơi chật cứng, phải cho họ điều kiện sống tối thiểu, đảm bảo an toàn”, ông chia sẻ.
Thấy được vất vả của công nhân chịu khó ở lại làm việc, Chủ tịch HĐQT Stapimex khẳng định trả lương bằng và cao hơn bình thường.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Kim Anh, chuyên chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tại Sóc Trăng, cũng khẳng định số lượng công nhân tham gia sản xuất tại doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30-40%, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động, tăng chi phí và đặc biệt không thể giao hàng theo đúng tiến độ đã ký hợp đồng.
Khi áp dụng "3 tại chỗ", công ty phải lo chi phí ăn ở, sinh hoạt cao, trong khi tâm lý công nhân không được an tâm khi sống xa gia đình trong thời gian dài. Doanh nghiệp phải đối mặt với cước tàu biển tăng vọt, thậm chí không có chuyến tàu để xuất khẩu.
|
Các công ty sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản đều cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng. Ảnh: Việt Tường. |
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) Hồ Quốc Lực cũng thở dài vì một số đơn hàng đã bị kéo dài thời gian giao.
"Nếu ‘3 tại chỗ’ kéo dài quá 4 tuần thì nguy cơ thiệt hại không nhỏ, thậm chí có thể phải đền bù vì chậm trễ đơn hàng. Từ đó, các doanh nghiệp không dám ký thêm”, Chủ tịch Fimex VN khẳng định.
Theo ông Lực, nếu kéo dài “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp chế biến càng khó khăn do lao động sẽ bỏ về và chi phí quá lớn. Vì vậy, chính quyền cần hỗ trợ kịp thời như tiêm phòng vaccine toàn bộ công nhân, có giải pháp thuận lợi hơn trong hoạt động chế biến.
Dệt may lo chậm đơn hàng xuất khẩu
Chia sẻ với Zing, Chủ tịch Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) Trần Như Tùng cho biết khi các địa phương bắt đầu giãn cách xã hội và thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách hàng cũng như khó khăn trong duy trì sản xuất.
“Giãn cách xã hội khiến duy trì sản xuất phức tạp và làm trễ tiến độ, trong khi khách hàng ở nước ngoài không thể chờ được nên vẫn có trường hợp hủy đơn hàng, chuyển đi chỗ khác”, lãnh đạo công ty chia sẻ.
Một lo lắng khác theo ông Tùng là lực lượng lao động ở TP.HCM về quê rất nhiều trong thời gian vừa qua. Khả năng sau khi dịch kiểm soát, người lao động cũng chưa thực sự muốn quay trở lại thành phố cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên cả nước.
|
Giãn cách xã hội khiến duy trì sản xuất phức tạp và làm trễ tiến độ, trong khi khách hàng ở nước ngoài không thể chờ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chủ tịch TCM tính toán nếu dịch được kiểm soát thì cũng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, do đó người lao động càng có xu hướng trở về quê và rất có thể tiếp tục ở lại qua Tết. Vị doanh nhân dự báo từ giờ đến cuối năm, khả năng dệt may thiếu hụt người lao động rất nhiều và từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất.
"Chúng tôi cũng chỉ cầm cự được sản xuất trên dưới 50%, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động chứ không thể dừng lại vì liên quan đến người lao động, khách hàng, cổ đông và chi phí cũng rất cao”, ông Tùng xót xa.
"Đối với doanh nghiệp nào còn '3 tại chỗ' được như chúng tôi thì còn có thể trấn an khách hàng và dời tiến độ, nhưng các doanh nghiệp tạm đóng cửa thì rất khó và sụt giảm sản lượng ngay", ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) phát biểu.
Chi phí duy trì 3 tại chỗ tại doanh nghiệp rất lớn, TCM hiện có vài nghìn lao động và phải gánh chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần và buộc phải duy trì. Toàn bộ chi phí này doanh nghiệp tự chi trả, dù chưa biết hiệu quả ra sao nhưng ông Tùng khẳng định phương án này vẫn tốt hơn việc đóng cửa nhà máy.
Công ty Sợi Thế Kỷ thì gặp khó khăn ở khâu logistics, từ vận chuyển hàng hóa, mua hàng thực phẩm phục vụ công nhân ở lại nhà máy, các loại giấy tờ… Chi phí xét nghiệm cho lái xe tăng lên và các thủ tục phức tạp nên các xe giao hàng chạy không có lời, ảnh hưởng đến tiến độ.
Bà Nguyễn Phương Chi, Phụ trách HĐQT Sợi Thế Kỷ, cho biết chi phí xét nghiệm cho công nhân ở lại nhà máy cũng rất cao, công ty phải hoàn toàn chi trả các chi phí. Ngoài ra ông phải động viên tinh thần công nhân để yên tâm làm việc, đồng thời công ty tạo mọi điều kiện cho công nhân sinh hoạt trong nhà máy.
|
Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Doanh nghiệp da giày rơi vào thế khó
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp là "mắt xích" trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một ngày dừng hoạt động, thiệt hại đối với doanh nghiệp sẽ rất lớn và có thể đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Mới đây, 2 đơn vị chuyên gia công cho thương hiệu giày Nike là Pouyuen Việt Nam và Changshin Việt Nam phải tiếp tục thông báo tạm dừng hoạt động. Trong đó, Changshin Việt Nam cho toàn bộ 42.000 lao động công ty tiếp tục tạm ngưng sản xuất đến ngày 12/8 và 56.000 công nhân của Pouyuen cũng tạm nghỉ việc đến ngày 9/8.
Điều đó đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất, tiến độ cung ứng cho Nike đều bị gián đoạn trong gần 1 tháng qua. Trao đổi với Zing, ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết trong thời gian tiếp tục tạm dừng sản xuất, công ty vẫn thực hiện chi trả theo mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.
"Song song với đó công ty cùng chính quyền quận Bình Tân tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân", ông cho biết.
|
Cảnh đông đúc tại Công ty PouYuen vào giờ tan tầm khi còn hoạt động. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đại diện Công Ty TNHH HwaSeung Vina - Công ty có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất giày thể thao thương hiệu Adidas, Reebok cũng xác nhận công ty sẽ tiếp tục ngưng hoạt động đến 16/8.
Theo đó, đại diện này cho biết công nhân nghỉ từ ngày 2/8 đến ngày 6/8 sẽ được hưởng 100% mức lương tối thiểu vùng, tức 170.000 đồng/ngày. Từ ngày 7-16/8, sẽ được hưởng 50% theo mức lương tối thiểu vùng, tức 85.000 đồng/ngày.
Theo tính toán, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 đã khiến 90% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, đồng thời phát sinh nhiều chi phí.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho rằng với doanh nghiệp, việc đẩy mạnh tiêm vaccine vẫn là hữu hiệu nhất. Trong trường hợp nguồn lực còn hạn chế, các đơn vị y tế tư nhân sẵn sàng tham gia vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
"Nếu doanh nghiệp dừng sản xuất nguy cơ sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mất đơn hàng sẽ không lấy lại được kể cả thời "hậu Covid-19", nhất là đơn hàng xuất khẩu", ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM nói.
"Việc này cần phải tiến hành rất nhanh nếu không muốn đứt gãy chuỗi sản xuất, công nhân không có việc làm, ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội”, bà Xuân nói.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết thực tế hiện nay các doanh nghiệp tại TP.HCM đang rất cố gắng để duy trì sản xuất bởi nếu ngừng hoạt động trong thời điểm này, khi hoạt động lại sẽ rất khó để phục hồi và lấy lại thương hiệu.
"Đặc biệt, nếu doanh nghiệp dừng sản xuất nguy cơ sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mất đơn hàng sẽ không lấy lại được kể cả thời hậu Covid-19, nhất là đơn hàng xuất khẩu", ông phân tích.
Hơn nữa, ông cho rằng khi công nhân ngừng việc sẽ lâm vào cảnh bế tắc, không có việc làm sẽ dễ nảy sinh ra các vấn đề xã hội.
Theo Thanh Thương, Huy Lê, Việt Tường/Zing