Cứ 7 ngày, một doanh nghiệp sản xuất với 500 công nhân thực hiện "3 tại chỗ" sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm COVID-19 (150.000 đồng/kit test). Nếu doanh nghiệp có 1.000-2.000 công nhân số tiền đó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Thực tế, hiện nay để duy trì sản xuất theo quy định "3 tại chỗ" bên cạnh chi phí sinh hoạt cho công nhân, doanh nghiệp còn nặng gánh thêm khoản tiền xét nghiệm COVID-19 lớn.
|
Mỗi doanh nghiệp tại các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 muốn duy trì sản xuất phải xét nghiệm trung bình 7 ngày/lần cho công nhân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho biết đơn vị đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 850 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản phục vụ cho thị trường nội địa.
Tuy nhiên, giám đốc công ty này cho rằng chi phí xét nghiệm đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.
Một tháng mất nửa tỷ đồng tiền xét nghiệm
"Hiện nay, mỗi kit test nhanh COVID-19 doanh nghiệp mua giá 150.000 đồng để test cho công nhân. Cứ 7 ngày một lần công ty lại phải chi 127,5 triệu đồng, và một tháng khoảng 510 triệu đồng cho riêng chi phí này", bà cho biết.
Theo bà Ninh, hiện nay Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM có quy định được sử dụng phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (mẫu gộp 5) để giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, song đến nay công ty vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào.
|
Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình gánh phí xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân. Ảnh: Hải yến. |
Giám đốc Cofidec cho biết hiện nay để đảm bảo an toàn trong việc thực hiện "3 tại chỗ", công ty đã trưng dụng các nhà nghỉ, hội trường, phòng họp… tại 2 nhà máy trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với tổng diện tích khoảng 3.500 m2.
Nơi ở cho công nhân nam và nữ tách biệt nhau và đảm bảo diện tích 5 m2/người để tránh tiếp xúc gần.
"Mỗi công nhân đều được cấp chiếu, mền, gối, mùng cá nhân và quạt máy để nghỉ ngơi và ngủ lại", bà nói và cho biết các phòng lưu trú cho công nhân làm việc “3 tại chỗ” được trang bị bình xịt cồn, nước rửa tay sát khuẩn và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế…
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM) thừa nhận việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn.
"Chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy ở Cầu Tre là rất nặng, ngoài ra phải lo nguồn thực phẩm để nấu ăn cho công nhân ngày 3 bữa, thậm chí cả bữa khuya", bà nói.
Với khoảng 700 công nhân, cứ 7 ngày công ty bà Viên phải chi hơn 100 triệu đồng để xét nghiệm cho công nhân. Tính ra, một tháng, doanh nghiệp này cũng mất gần nửa tỷ đồng cho riêng chi phí này.
Bà Viên chia sẻ việc thực hiện theo nguyên tắc "3 tại chỗ" là tình huống không ai mong muốn, phía công ty cũng phải cố gắng hết mức để duy trì hoạt động.
"Hiện tại, Chính phủ cũng đang rất đau đầu vì phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, chúng tôi cũng đồng tình chia sẻ dù cả người lao động và doanh nghiệp đều chật vật. So với những khó khăn chung thì khó khăn của mình không là gì cả", bà nói và cho biết đang làm tốt nhất những gì có thể với công nhân.
"Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ sữa, nước, vật dụng vệ sinh cá nhân như chiếu, màn, quạt... Ngược lại khi ở nhà máy công nhân cũng có thu nhập", đại diện CJ Food cho hay.
Hiện công ty đã dừng nguồn hàng xuất khẩu để tập trung cung cấp thực phẩm cho người dân trong nước.
Để tránh lo ngại lây nhiễm chéo, bà Viên cho biết trước khi cho 700 công nhân này vào nhà máy, công ty đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ. "Trong thời điểm ở nhà máy số lao động này sẽ 'nội bất xuất, ngoại bất nhập', kể cả tôi hay giám đốc cũng không được vào nhà máy", bà nói.
"Theo tôi, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tự vận động. Đương nhiên, trong những thời điểm như vậy sẽ có sai sót này sai sót nọ nhưng không thể quy hết trách nhiệm cho Chính phủ", đại diện CJ Food Việt Nam chia sẻ.
Đề xuất doanh nghiệp chỉ chịu 50-70% phí xét nghiệm
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết quy định “3 tại chỗ” hay “một cung đường 2 điểm đến” được nhiều nước áp dụng khi dịch xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi chủ yếu trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp.
|
Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký áp dụng "3 tại chỗ" từ 13/7. Ảnh: Hải Yến. |
Về việc nhiều doanh nghiệp gặp khó với chi phí xét nghiệm, ông Thành đề xuất doanh nghiệp chỉ chịu 50-70%, còn lại ngân sách Thành phố hỗ trợ. "Như vậy, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tuân thủ quy định để hạn chế tối thiểu rủi ro", ông nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, đây là thời điểm mà Nhà nước phải tăng chi ngân sách, không chỉ là công tác phòng chống dịch trực tiếp mà là nguồn tài chính được chi trực tiếp cho các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.
“Trong tình huống này, không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hay người lao động mất việc mà cả những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất", ông nêu quan điểm.
Tại chương trình "Cà phê doanh nhân" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức trực tuyến sáng 21/7, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hiệp hội cho biết, thống kê sơ bộ có tổng cộng 391/716 doanh nghiệp đăng ký thực hiện "3 tại chỗ".
"Nhiều doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra chưa đủ điều kiện phải tạm dừng. Bình quân đạt khoảng trên 60% số doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, quy mô duy trì từ 30-50% nhân lực", ông Dũng thông tin.
Về khó khăn trong chi chí xét nghiệm của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết theo quy định các công ty, nhà máy phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động 7 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp thanh toán.
Ông Dũng cho hay hiện nay, các doanh nghiệp đi test nhanh COVID-19 theo dịch vụ giá lên đến 350.000-400.000 đồng/người. Thậm chí chi phí xét nghiệm PCR còn cao hơn gấp nhiều lần.
"Để hỗ trợ giảm chi phí xét nghiệm, Hiệp hội đã ký hợp tác với Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM để tiến hành xét nghiệm tại doanh nghiệp theo hợp đồng với giá chỉ 280.000 đồng/lần/người", ông nói.
Theo Chủ tịch HUBA, hiệp hội thỏa thuận giá 280.000 đồng/lần/người xét nghiệm tại doanh nghiệp, do đó người lao động sẽ không phải xếp hàng tại cơ sở y tế tránh nguy cơ lây nhiễm.
"Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu như thế nào nữa đối với doanh nghiệp. Mặc dù đã thực hiện '3 tại chỗ', không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối mà khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra", ông nhấn mạnh.
|
Mỗi tuần doanh nghiệp đều phải báo cáo lên cơ quan chức năng về kết quả xét nghiệm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Vì vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, doanh nghiệp phải kiên trì 5K và các biện pháp phòng chống dịch để không gây thiệt hại, tổn thất. Các vấn đề về đời sống văn hóa tinh thần, xung đột tôn giáo, tín ngưỡng cũng như khác biệt sinh hoạt cá nhân trong khu vực "3 tại chỗ" là vấn đề lớn các doanh nghiệp cần quan tâm.
HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước thấu hiểu cho doanh nghiệp đề ra các chính sách giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn.
Theo Thanh Thương/ Zing