Sau nhiều năm gắn bó với cây lúa, cây mì mà cái nghèo vẫn đeo bám, năm 2009, ông Rơ Châm Kyêu quyết định tìm hiểu giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để chuyển hướng canh tác. Sau nhiều tháng tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn trồng do địa phương tổ chức, ông Kyêu quyết định trồng cà phê.
Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi rất vui mừng khi biết cây cà phê Robusta (hay còn gọi là cà phê vối) thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu xã Ia Mơ Nông và cho năng suất vượt trội. Tôi liền vận động gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cà phê. Ban đầu, tôi trồng 1,5 ha. Gần 10 năm sau, tôi tích lũy được tiền mua thêm đất để mở rộng diện tích cà phê của gia đình lên gần 5 ha”.
Theo ông Kyêu, thời gian đầu bắt tay trồng cà phê, ông từng mất ăn, mất ngủ để theo dõi sự sinh trưởng của vườn cây. Từ việc trồng cây ngắn ngày như cây mì, lúa, nay ông phải học cách chăm sóc giống cây dài ngày đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao hơn.
“Tôi đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn cây giống chất lượng, học hỏi các phương pháp trồng, chăm sóc vườn cây và kiểm soát sâu bệnh để đảm bảo chất lượng, năng suất. Rất may, dòng cà phê Robusta có khả năng kháng bệnh tốt và sinh trưởng nhanh, năng suất đạt cao”-ông Kyêu chia sẻ.
Tuy nhiên, suốt 15 năm gắn bó với cây cà phê, gia đình ông Kyêu cũng trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những lúc rơi vào bế tắc do giá xuống thấp. Để duy trì vườn cà phê rộng 5 ha, ông Kyêu đã trồng xen các loại cây ăn quả như bơ, mít, sầu riêng… nhằm có thêm nguồn thu nhập.
Theo ông Kyêu, biện pháp “lấy ngắn nuôi dài” ấy cùng với việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ hoai để thay thế phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật… đã giúp gia đình ông tiết giảm chi phí sản xuất. Khi giá cà phê dần cao trở lại, ông Kyêu đã “hái quả ngọt”.
“Hiện nay, vườn cà phê của gia đình tôi đang phát triển tốt và cho thu trên 800 triệu đồng/vụ sau khi trừ chi phí”-ông Kyêu cho biết.
Ông Rơ Châm Khên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phung-cho hay: Gia đình ông Kyêu là hộ tiên phong trồng cà phê ở làng. Sau nhiều năm, chúng tôi thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và phát triển rất tốt. Dù từng trải qua những đợt nắng hạn kéo dài khiến cây bị suy kiệt, rụng lá, tuy nhiên, chỉ cần tưới một lượng nước vừa phải là cây có thể duy trì sự sống để vượt qua mùa khô hạn và phát triển mạnh mẽ khi mùa mưa đến. Giống cà phê Robusta có sức kháng sâu bệnh tốt nên việc trồng, chăm sóc cũng dễ dàng hơn.
Từ thành quả của ông Kyêu, nhiều năm qua, bà con trong làng cũng tích cực học hỏi, chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cà phê.
Còn bà Trần Thị Thùy Dung-Cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Mơ Nông thì cho biết: Dòng cà phê Robusta được nông dân trong xã ưu tiên sản xuất bởi khả năng chịu hạn và kháng bệnh mạnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Thời gian gần đây, giá cà phê tăng cao đã tiếp thêm động lực cho người trồng cà phê tại địa phương duy trì vườn cây để cải thiện nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu.
Về lâu dài, đây sẽ là động lực để bà con tập trung đầu tư canh tác cà phê một cách khoa học, bền vững, hướng đến liên kết sản xuất cà phê Robusta theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Mai Ka/Dân Việt