30 năm trồng cà phê, một nông dân Gia Lai ngày càng giàu lên

Google News

Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê.

Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cà phê nổi lên như một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, ông Xuyến dốc hết vốn liếng để mua đất trồng cà phê.

Ông Xuyến kể: “Trước khi đến Gia Lai lập nghiệp, tôi cũng nhiều lần khảo sát, tìm hiểu về vùng đất này. Không những đất đai rộng lớn mà còn rất màu mỡ, phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là cây cà phê. Do đó, tôi quyết định mua 3 ha đất tại xã Hnol để trồng cà phê. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm những hộ dân xung quanh, tôi tiếp tục mở rộng diện tích cà phê lên thành 15 ha”.

Tuy nhiên, khi vườn cà phê của ông Xuyến bước vào thu hoạch thì giá rớt thảm hại, chỉ còn 4.000 đồng/kg vào niên vụ 2002-2003.

Thu không đủ bù chi, ông Xuyến bán bớt vườn rẫy và chuyển diện tích cà phê còn lại sang canh tác theo hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ông bắt đầu tìm hiểu về thị trường tiêu thụ cà phê bột nhằm chuyển hướng làm ăn.

“Mặc dù giá cà phê nhân giảm sâu nhưng các sản phẩm cà phê sau chế biến vẫn có giá khá cao, thị trường tiêu thụ thì đầy tiềm năng. Vì vậy, năm 2006, tôi đầu tư máy móc, bắt đầu chuyển sang rang xay và cho ra mắt sản phẩm cà phê bột đầu tiên mang tên Gia Phú.

Chính nhờ dùng nguyên liệu từ vườn cà phê được canh tác theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín đạt trên 90% nên sản phẩm cà phê bột Gia Phú được thị trường đón nhận và ngày càng mở rộng”-ông Xuyến cho biết.

30 nam trong ca phe, mot nong dan Gia Lai ngay cang giau len

 

Ông Xuyến, nông dân trồng cà phê ở thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc hiện đại nhằm đáp ứng các tiêu chí theo quy định và mở rộng quy mô sản xuất cà phê. Ảnh: Q.T

Tiếp đà thành công, ông Xuyến đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua máy móc rang xay hiện đại; đồng thời, liên kết với 5 hộ dân ở xã Hneng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao với tổng diện tích khoảng 20 ha. Ông Xuyến thu mua cà phê với cao hơn giá thị trường 1 triệu đồng/tấn nhân.

Với khoảng 1,5 ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ, gia đình anh Nguyễn Bình (làng Krun, xã Hneng) có nguồn thu nhập ngày càng ổn định kể từ khi được ông Xuyến liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Anh Bình chia sẻ: “Tôi liên kết với cơ sở sản xuất cà phê Gia Phú khoảng 5 năm nay. Vườn cà phê của tôi luôn cho năng suất ổn định nhờ canh tác theo hướng bền vững, lại được ông Xuyến thu mua cao hơn giá thị trường nên thu nhập của gia đình ngày càng tốt hơn”.

Từ khi 4 sản phẩm cà phê Gia Phú đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh thì thị trường tiêu thụ càng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh các sản phẩm cà phê chất lượng cao mang thương hiệu Gia Phú, ông Xuyến còn tận dụng nhà xưởng, máy móc hiện đại để gia công thuê cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, tổng doanh thu hàng năm của cơ sở luôn ổn định và tăng dần. Năm 2023, ông Xuyến thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Với quan điểm chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên trên hết, ông Xuyến luôn đặc biệt chú trọng đến nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như bảo đảm quy trình chế biến phải đạt chuẩn. Từ đó, ông tạo ra sản phẩm tốt, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục liên kết với các hộ dân trên địa bàn để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng sạch, thu hái đạt độ chín nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ”-ông Xuyến cho hay.

Đánh giá về hướng đi của ông Huỳnh Đức Xuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) Nguyễn Kim Anh cho biết: Cơ sở chế biến cà phê Gia Phú đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành hàng cà phê của huyện.

Cơ sở không những tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại chỗ mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của các hộ dân tham gia chuỗi liên kết. Đặc biệt, đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh huyện đang tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm địa phương vươn xa.

Huyện tiếp tục định hướng, tạo mọi điều kiện để các chủ thể OCOP, trong đó có cơ sở chế biến cà phê Gia Phú liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cho nhu cầu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.


Theo Nguyễn Quang/Báo Gia Lai