Chuyển đổi số từ bản làng, đưa hương vị Việt ra toàn cầu

Google News

Chuyển đổi số đã góp phần mang lại cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nông dân 4.0

Những ngày đầu tháng 10, chị Phan Thảo Linh, chủ vườn cam tại huyện Nam Đông – tỉnh Thừa Thiên Huế, tất bật đóng từng túi cam cho vào thùng xốp để chuyển đi các tỉnh cho khách đặt hàng. Những đơn đặt hàng cam Nam Đông không chỉ đến từ những địa phương lân cận mà còn đến từ Bắc vào Nam, từ những đơn hàng 5-10 kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Chị Linh là một trong số các hộ dân 4.0, thành công trong việc đưa sản phẩm cam Nam Đông lên sàn thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam.

Bước vào vụ mùa 2022, ngay từ đầu tháng 6, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với sàn Postmart triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa mặt hàng chủ lực của huyện lên kinh doanh trên môi trường số. Thông qua các buổi đào tạo từ việc chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc hay quy cách đóng gói, quy trình vận chuyển tiêu chuẩn… giờ đây chủ vườn cam đã khá thành thạo với cách làm mới cũng như kênh tiêu thụ mới này. Vụ này, sàn đặt mục tiêu tiêu thụ 400 tấn cam Nam Đông.

Tại huyện miền núi bên giới Simacai (Lào Cai), chị Hoàng Thị Mẩy tại xã Bản Mế là hộ đầu tiên đưa lê Tai Nung lên sàn Postmart. Năm 2021, qua lời giới thiệu của nhân viên Bưu điện tỉnh Lào Cai trong Hội nghị tập huấn đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, chị Mẩy quyết định tìm hiểu và sau đó với sự trợ giúp của nhân viên Bưu điện xã, chị đã đưa sản phẩm lê Tai Nung lên giới thiệu trên sàn. Ngay đợt thu hoạch quả đầu tiên, nhà chị Mẩy đã tiêu thụ gần 2 tạ lê với giá bán 55.000 đồng/kg, tăng hơn 20% so với bán cho thương lái tại thời điểm đấy.

Chị Mây phấn khởi cho biết: “Vụ mùa năm nay gia đình tôi dự kiến thu hơn 20 tấn quả trên diện tích 6ha của gia đình. Năm nay, Bưu điện tỉnh và Bưu điện huyện tiếp tục cử người xuống giúp đỡ gia đình tôi từ khâu thu hoạch, đóng gói, chụp ảnh và tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến lượng tiêu thụ qua sàn Postmart của Bưu điện sẽ tăng gấp đôi so với năm ngoái”.

Chuyen doi so tu ban lang, dua huong vi Viet ra toan cau
Nông dân được tập huấn chuyển đổi số (Ảnh:D.Anh)

Mong ước bán được cam có giá cao mà không bị thương lái ép giá của những hộ sản xuất nông nghiệp ở đây khi “4.0” len lỏi vào từng vùng quê đã dần trở thành hiện thực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển chưa từng có. Minh bạch, giao hàng nhanh chóng với phương châm tất cả vì khách hàng đã giúp cho rất nhiều nông sản giờ đây được người tiêu dùng chọn mua qua sàn.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Lê Quốc Anh cho biết, với tiêu chí sàn thương mại điện tử của người Việt, tiêu thụ nông sản Việt, đến nay, Postmart đã tạo thành công hơn 3,2 triệu tài khoản cho hộ nông dân trên sàn, phát sinh gần 610.000 giao dịch với hàng chục nghìn sản phẩm là các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt chú trọng các sản phẩm nông sản và nông sản chế biến, các loại đặc sản OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng.

Thông qua các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, các hộ nông dân được hướng dẫn các bước tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; hướng dẫn cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và tổ chức mẫu một phiên Livestream ngắn bán hàng để thu hút người mua trên Sàn thương mại điện tử. Nhiều sàn thương mại điện tử tham gia vào thị trường nông sản như Voso, Sendo Farm, Postmart, Shopee Farm,..

Đưa hương vị Việt Nam ra thế giới

Không chỉ đưa nông sản lên sàn trong nước mà các, các sàn thương mại điện tử còn đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông sản ra thế giới. Năm 2021, 3 tấn vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu qua mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của Việt Nam do Viettel Post vận hành và phát triển.

Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và Châu Âu, được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi iCheck.

Chuyen doi so tu ban lang, dua huong vi Viet ra toan cau-Hinh-2
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu (Ảnh:D.Anh)

Tháng 5/2022, Vietnam Post Logistics đã tiến hành xuất khẩu gần 20 tấn sầu riêng sang thị trường Mỹ. Hiện, Vietnam Post Logistics thực hiện xuất khẩu 02 loại sản phẩm sầu riêng bao gồm: sầu riêng tách múi và sầu riêng nguyên trái. Đơn vị này còn đẩy mạnh việc kết nối xuất khẩu sản phẩm sầu riêng, vải thiều,… không chỉ đến Mỹ mà còn mở rộng ra thị trường châu Á và một số nước châu Âu.

Nông sản Việt còn đủ sức cạnh tranh với các nước như Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba.com. Theo thống kê của Alibaba.com, một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là ngành thực phẩm và đồ uống. Điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất lớn, danh mục sản phẩm chất lượng, đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu.

Đánh giá hiệu quả đưa nông sản lên sàn quốc tế, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH DSW cho hay, đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 3.000 USD, sau một năm, doanh thu đã đạt 260.000 USD. Bà đã học được các bài học thực tế từ nhà bán hàng Trung Quốc như các phương thức thanh toán đa phương tiện hay các cách để livestream.

Bà Lê Tú Uyên, Giám đốc Công ty TNHH Natural Love chia sẻ, trong năm 2021, khi dịch bệnh tiếp tục hoành hành, chiến lược mở rộng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là đúng đắn và kịp thời khi các đơn hàng vẫn đến đều đặn từ hơn 10 quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ... Doanh thu hằng năm ổn định ở mức 800.000 USD giúp phát triển doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ, hợp tác và tư vấn xuất khẩu cho hơn 2.000 nhà máy, hợp tác xã, nhà xưởng. Ông Vũ Thế Tùng – Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ chính phủ Alibaba.com đánh giá, thế mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam, các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho nhà bán hàng mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Chuyển đổi số góp phần giải các bài toán về tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản cho nông dân Việt, góp phần vào việc phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và quốc gia số.

Theo Duy Anh/Vietnamnet