Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thay thế Luật Đất đai 2013, trong đó, quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình (sổ đỏ).
Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi này thì trường hợp các thành viên của hộ gia đình có nhu cầu thì sổ đỏ cấp hộ gia đình sẽ được ghi tên tất cả các thành viên của hộ gia đình đó.
Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đầu tiên phải xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ai, cá nhân, vợ chồng hay hộ gia đình gồm nhiều thành viên.
"Việc đưa tên vào sổ đỏ sẽ thể hiện quyền của các thành viên, khi sổ đỏ cấp cho hộ gia đình thì phải ghi tên các thành viên trong gia đình, sổ đỏ của cá nhân hay vợ chồng thì ghi tên vợ chồng. Trong trường hợp cấp sổ đỏ cho hộ gia đình có con nhỏ dưới 18 tuổi thì người giám hộ sẽ thực hiện" - luật sư Trương Anh Tuấn nói.
Việc thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được quy định tại Thông tư 23 (năm 2014) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đưa vào Luật chỉ để thống nhất thực hiện về cơ bản không có sự khác biệt so với các quy định trước đây, luật sư Trương Anh Tuấn cho biết thêm./.
Theo Phương Hoài/VOV