Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổ chức chương trình mang tên “Chiếc thớt an toàn”, hướng đến những bữa cơm an toàn từ bếp đến bàn ăn cho mọi gia đình.
Trong việc nấu nướng, chiếc thớt là dụng cụ không thể thiếu. Thực tế, nhiều người có thói quen dùng chung một thớt dành cho cả đồ ăn chín và đồ ăn sống. Chiếc thớt trở thành đường truyền cho nhiều vi khuẩn vào thực phẩm. Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ Bắc Ninh đã chọn chủ đề tuyên truyền an toàn thực phẩm thông qua hình ảnh quen thuộc này.
|
Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức truyền thông với chủ đề “Chiếc thớt an toàn” với sự tham gia của hơn 500 cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn TP Từ Sơn. |
Các chương trình đều có sự tham gia của khoảng 500 hội viên. Tại buổi truyền thông, các hội viện được phổ biến kiến thức về luật an toàn thực phẩm, nguy hiểm của ngộ độc thực phẩm cũng như các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm, các quy tắc chế biến và bảo quản thức ăn an toàn.
Đặc biệt, tại chương trình, các cán bộ truyền thông tư vấn về việc sử dụng thớt an toàn, lựa chọn đúng cách, loại bỏ các sai lầm trong sử dụng thớt. Hoạt động này nằm trong chương trình "Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, thói quen chế biến thực phẩm của các gia đình ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hội viên phụ nữ khu phố Kim Thiều (phường Hương Mạc, TP Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ: “Được tham dự buổi truyền thông, tôi mới nhận thấy, chiếc thớt vốn là thứ phải dùng thường xuyên trong mỗi lần chuẩn bị bữa ăn nhưng mình lại chưa biết sử dụng đúng cách để bảo đảm vệ sinh. Sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu cần dùng thớt riêng cho hai loại thực phẩm sống và chín; chà rửa thớt đúng cách sau khi sử dụng; thay thớt mới sau một thời gian sử dụng và bỏ thói quen dùng cả 2 mặt thớt.
|
Chiếc thớt sạch góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Chương trình “Chiếc thớt an toàn” đã giúp những người làm nội trợ có thêm nhiều kiến thức, thông tin hữu ích trong nấu ăn và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Sau chương trình này, chúng tôi sẽ áp dụng ngay việc sử dụng thớt đúng cách tại gia đình mình, đồng thời lan tỏa những thông điệp của chương trình đến các gia đình, hội viên, phụ nữ tại địa phương”.
Ngoài tuyên truyền về phổ biến về an toàn thực phẩm qua chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh còn xây dựng nhiều mô hình như chợ an toàn thực phẩm hay tổ phụ nữ không sử dụng chất cấm, hóa chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hội viên hội phụ nữ tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm hải sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Mạnh Hưng