Ngày 24/10, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Dự phiên giải trình có: Bà Trần Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Hạnh Chung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ban, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, và các sở ngành có liên quan.
|
Toàn cảnh phiên giải trình. (Ảnh: Khánh Duy). |
Tại phiên giải trình, bà Trần Thị Hằng cho biết, thời gian qua, vấn đề ngộ độc thức ăn xảy ra khá thường xuyên ở các mức độ khác nhau, những vụ nghiêm trọng số người mắc lên đến hàng trăm người, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn mang đến những hệ lụy về sức khỏe của con người, về giống nòi. Đối với tỉnh Bắc Ninh đã sớm nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về thực trạng ATTP trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP; những hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ; nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Đề xuất giải pháp, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về ATTP để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, nâng cao ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
|
Bà Trần Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: BTV). |
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ những kết quả, hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ, phân tích nguyên nhân và đề xuất những giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo đó, sau 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã kiện toàn, tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, qua đó thống nhất đầu mối, năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giúp cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn được chủ động, toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn. Công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, đồng bộ, nhanh chóng; Mô hình tổ chức Đội Thanh tra - Quản lý An toàn thực phẩm tại tuyến huyện đã tác động tích cực đến hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.
Trong 6 năm, số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc đều giảm, 100% các vụ ngộ độc được tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.
Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra 15.759 lượt cơ sở, xử phạt 395 cơ sở với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng…
Các đại biểu cũng đặt câu hỏi đối với ngành nông nghiệp, Cục Quản lý thị trường về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường, việc thực hiện quản lý lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ thực phẩm không an toàn, nhất là trên không gian mạng, chất lượng nông sản cũng như kiến thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản…
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13 ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác vệ sinh, đảm bảo ATTP, xử lý dứt điểm các sai phạm, thúc đẩy hình thành các chuỗi thực phẩm an toàn;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các quy định của pháp luật, của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề ATTP; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Tăng cường công tác quản lý nhà nước; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; Phát huy kết quả đạt được đối với công tác thí điểm hoạt động của Ban quản lý ATTP tỉnh.
Đối với những kiến nghị đề xuất của ngành chức năng, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh giao Ban văn hoá - xã hội làm rõ, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để xem xét báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp.
Mạnh Hưng