Chè Thái Nguyên bán ra vèo vèo dịp Tết

Google News

Dịp Tết tại Thái Nguyên mặt hàng chè vẫn tiêu thụ với sản lượng lớn, thậm chí tăng hơn mọi năm mà giá cả ổn định.

Do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế suy thoái năm 2023, mức tiêu thụ nhiều mặt hàng thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bị ảnh hưởng theo, sức mua giảm sút như bánh kẹo, quần áo, giầy dép…

Tuy nhiên, tại Thái Nguyên sản phẩm chè của nhiều cơ sở sản xuất vẫn được tiêu thụ với sản lượng lớn, thậm chí còn tăng hơn so với những năm trước.

Khảo sát một số cơ sở sản xuất chè lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được biết, chè là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nên sản lượng bán ra ổn định quanh năm, không bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường.

Chị Nguyễn Thị Như Trang – Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên cho biết: Trung bình mỗi năm HTX Trà Sơn Dung sản xuất và đưa ra thị trường hàng trăm tấn chè khô các loại từ bình dân đến cao cấp. Năm 2022, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 200 tấn chè khô với giá bán ổn định.

Trong đó có các dòng trà như móc câu từ 300.000 – 500.000đ/kg, chè tôm nõn từ 600.000 – 1.000.000đ/kg, chè đinh từ 1.500.000 đến 5.000.000đ/kg.

Tính đến thời điểm hiện tại, HTX đang có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, trong đó các sản phẩm này đều có nguyên liệu được trồng tại vùng đất Tân Cương nổi tiếng.

Che Thai Nguyen ban ra veo veo dip Tet

HTX Trà Sơn Dung, phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên đang tất bật đóng gói sản phẩm để phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hà Thanh

Năm 2023, khi nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên mức tiêu thụ chậm thì mặt hàng chè lại không hề bị ảnh hưởng, thậm chí đối với HTX Trà Sơn Dung năm nay sản lượng bán ra còn tăng hơn so với năm ngoái.

Chỉ tính riêng dịp cận Tết Nguyên đán 2024, HTX đã xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô các loại với giá cả ổn định, trong đó sản lượng tiêu thụ lớn chủ yếu là các dòng trà móc câu và tôm nõn.

Che Thai Nguyen ban ra veo veo dip Tet-Hinh-2

Năm 2023, HTX Trà Sơn Dung xuất bán ra thị trường khoảng 250 tấn chè khô các loại với nhiều mẫu mã đa dạng. Ảnh: Hà Thanh

Năm 2023, bên cạnh việc quan tâm đầu tư về chất lượng sản phẩm, HTX Trà Sơn Dung còn chú ý đến việc cải tiến và cho ra đời thêm nhiều bao bì, mẫu mã sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, đẹp mắt, đáp ứng thị hiếu của khách hàng dùng để làm quà biếu, tặng. Do đó, có thể đây cũng là yếu tố giúp sản phẩm của HTX bán ra nhiều hơn trong dịp tết này.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hương Vân – Giám đốc HTX Trà Hương Vân, Tổ 11, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên cho hay: HTX Trà Hương Vân hiện có nhiều sản phẩm chè khác nhau với nhiều mức giá và mẫu mã đa dạng.

Đến nay, HTX có 3 dòng sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 4 sao đó là Tam Phúc Trà, Ngọc Xuân Trà và Hương Vân Trà. Hiện các sản phẩm chè của HTX có giá bán dao động từ 500.000 – 5 triệu đồng gồm các dòng trà Móc câu, trà Tôm nón và Trà Đinh cao cấp được bán đi thị trường hầu khắp các tỉnh trong cả nước với nhiều đại lý được mở ra.

Đặc biệt, HTX đang xây dựng các cửa hàng, đại lý tại một số nước để bày bán sản phẩm chè của HTX.

Từ đầu năm đến nay, HTX Nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai xuất bán ra thị trường khoảng tấn chè khô.

Theo chị Hoàng Thị Hải – Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Minh, vụ tết năm nay, HTX bán ra thị trường khoảng 2 tấn chè khô các loại, tăng 0,5 tấn so với vụ tết năm trước. Nhờ sản lượng bán ra lớn hơn nên thu nhập của người lao động trong HTX cũng tăng lên.

Che Thai Nguyen ban ra veo veo dip Tet-Hinh-3

HTX Trà Hương Vân, Tổ 11, phường Đồng Quang, TP.Thái Nguyên nhộn nhịp đón khách trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Hà Thanh

 

Trong khi mặt hàng chè được tiêu thụ với sản lượng lớn, thì một số mặt hàng khác tiêu thụ chậm hơn như quần áo, giầy dép và bánh kẹo.

Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ cửa hàng quần áo tại chợ Cầu Mây, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: "Bình thường mọi năm, mỗi dịp tết lượng khách đến mua sắm quần áo tại cửa hàng của tôi rất đông.

Nhưng năm nay, đến tầm này vẫn thấy lác đác người mua, sức tiêu thụ năm nay chậm hơn hẳn, tôi rất ruột vì hàng lấy về nhiều mà bán ra ít, hàng quần áo lại đòi hỏi nhiều vốn nên nếu tồn kho thì chúng tôi không có lãi".

Che Thai Nguyen ban ra veo veo dip Tet-Hinh-4

Cửa hàng quần áo, giầy dép của chị Nguyễn Thị Phượng, chợ Cầu Mây, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình năm nay lượng hàng bán ra chậm hơn hẳn với năm trước. Ảnh: Hà Thanh

Che Thai Nguyen ban ra veo veo dip Tet-Hinh-5

Cửa hàng tạp hoá của chị Trần Thị Lệ, chợ Cầu Mây, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình thời điểm này cũng vắng bóng người mua. Ảnh: Hà Thanh

Còn chị Trần Thị Lệ, một chủ cửa hàng tạp hoá tại chợ Cầu Mây, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: "Tôi bán hàng tạp hoá, bánh kẹo đã nhiều năm nay.

Mọi năm lượng người mua rất lớn, nhưng năm nay thấy thưa thớt hơn hẳn. Bằng tầm này mọi năm, lượng người đi mua bánh kẹo sắm tết đã cơ bản đông lắm rồi, nhưng năm nay vẫn thấy lẹt đẹt lắm.

Chắc do kinh tế khó khăn, công nhân không có việc nên nghỉ nhiều, lương lại chậm nên họ vẫn chưa có tiền đi sắm tết. Hoặc cũng có thể do, thời buổi bây giờ mọi người chủ yếu mua hàng online trên mạng cho tiện nên những người có cửa hàng truyền thống như chúng tôi cũng phần nào bị ảnh hưởng".

Theo Hà Thanh - Kiều Hải/Dân Việt