Từ bỏ những công việc "cổ cồn trắng"
Ngoài những giờ lao động nhọc nhằn dưới trời nắng gắt, Kang Tae-yang phải di chuyển 50km từ thành phố Pocheon đến Seoul để tham gia lớp học trở thành "nông dân thông minh".
Đây là thuật ngữ để chỉ những người làm nông nghiệp thời đại mới, làm việc trong nhà kính và dùng công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả. Khi theo trào lưu này, Kang Tae-yang cũng được xem là nhà sáng lập start-up chứ không phải một công nhân thông thường.
|
Kang Tae-yang chuyển sang làm nông nghiệp thông minh vì ngành hàng không gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Ảnh: straitstimes.com ). |
Kang bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp cách đây vài năm trong một kỳ nghỉ làm việc ở Australia - chương trình giúp anh mở rộng tầm mắt về nông nghiệp công nghệ cao.
"Tôi sẽ có thể có được nhiều niềm vui hơn trong tương lai khi sở hữu trang trại và điều hành việc kinh doanh của riêng mình. Tôi đang nghĩ đến trồng dâu tây và xoài, và có lẽ cả wasabi nữa", anh nói.
Tương tự, Oh Jung-woong, 23 tuổi (Hàn Quốc0, cũng đang được đào tạo để trở thành nông dân sau khi Covid-19 làm gián đoạn kế hoạch du học Canada. Chàng trai trẻ mua 23.000m2 đất nông nghiệp ở Pocheon để xây dựng trang trại thông minh.
"Vì không thể tìm được công việc nào khác, tôi quyết định làm nông nghiệp, công việc mà tôi yêu thích từ khi còn nhỏ. Nhưng ban ngày quá nóng nên tôi sẽ làm việc vào buổi tối và sáng sớm", Oh Jung-woong chia sẻ.
Anh Ahn Hae-sung bỏ công việc nghiên cứu viên tại nhà sản xuất ô tô Hyundai để bắt đầu Pocheon Strawberry Healing Farm năm 2019.
Người đàn ông 42 tuổi này kiếm được 500 triệu won (392.655 USD) mỗi năm từ việc trồng dâu tây và rau diếp. Anh cũng cung cấp đào tạo tại chỗ cho khoảng 1.000 nông dân có nguyện vọng mỗi năm.
"Trước đây, mọi người nghĩ làm nông dân sẽ có địa vị xã hội thấp. Hiện nay, nông nghiệp được coi là lĩnh vực khởi nghiệp đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực tài chính đáng kể", Ahn cho biết.
Một phần của xu hướng "bỏ phố về quê"
Theo Straits Times, những người thành thị đi về vùng nông thôn để tránh giá bất động sản cao và cuộc sống thành phố căng thẳng đã trở thành xu hướng. Giá trung bình cho một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi, từ khoảng 600 triệu won (471.186 USD) năm 2017 lên 1,2 tỷ won (942.373 USD) năm 2022.
Năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), nước này có 515.000 người rời thành phố về nông thôn, tăng 5,6% so với năm trước. Cùng với đó, số hộ gia đình trẻ làm nông nghiệp ở nông thôn cũng tăng từ mức 1.209 năm 2019 lên 1.507.
Đây cũng là xu hướng được chính phủ Hàn Quốc ủng hộ trong bối cảnh nông dân ở nước này đang già đi và thường đi theo với các phương pháp canh tác truyền thống.
Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu đào tạo 30.000 nông dân trẻ vào năm 2027, với hy vọng họ sẽ chiếm 10% tổng số nông dân vào năm 2040. Tính đến năm 2022, có 12.000 nông dân Hàn Quốc dưới 40 tuổi.
Tháng 10/2022, MAFRA công bố loạt biện pháp khuyến khích người trẻ Hàn Quốc tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Những chính sách mà Hàn Quốc triển khai gồm đào tạo tại chỗ, trợ cấp hàng tháng tới 1,1 triệu won (864 USD) trong 3 năm đầu tiên, đất nông nghiệp cho thuê và các khoản vay lên tới 500 triệu won (392.655 USD) với lãi suất thấp trả trong 25 năm.
Bà Park Su-jin, một quan chức của MAFRA cho biết, thu hút những người trẻ tuổi làm nông nghiệp là điều quan trọng vì họ có kiến thức công nghệ tiên tiến. Việc này sẽ giúp chuyển đổi ngành nông nghiệp truyền thống thành nông nghiệp công nghệ cao.
"Nông dân trẻ đang tạo ra lợi nhuận thông qua việc phát triển các sản phẩm sáng tạo, độc đáo và khám phá các kênh bán hàng mới", bà Park Su-jin nói.
Các trang trại thông minh hiện chỉ chiếm 1%-2% thị trường nội địa. Chính phủ Hàn Quốc có dự định tăng các trang trại thông minh lên 30% vào năm 2027.
"Nông nghiệp sẽ được chuyển đổi kỹ thuật số. Các phương thức canh tác truyền thống sẽ dần biến mất khi các công nghệ canh tác và nhà kính thông minh thịnh hành hơn", Ahn Hae-sung nói.
Nhớ lại những ngày làm việc tại Hyundai và nghĩ về công việc hiện tại, anh Ahn cho biết: "Hiện giờ tôi có thể tự do theo đuổi tầm nhìn kinh doanh mà mình có và đạt được tự do kinh tế. Công việc đồng áng khiến tôi thấy hài lòng hơn nhiều so với công việc ở công ty".
Một nông dân nông nghiệp thông minh khác, Francisco Kweon, 38 tuổi, cũng có chung nhận định này dù anh có khởi đầu khó khăn hơn. Năm 2014, cựu nhân viên một công ty thương mại ở Singapore, bắt tay vào trồng những mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc như khoai tây và hành lá trên một mảnh đất nhỏ ở Gimpo, phía tây Seoul.
Phi vụ khiến anh "mất hàng tấn tiền" nhưng thu lại chưa đến 2.000 USD. Anh cho rằng, thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân thất bại trong lần này.
Khi bắt đầu lại vào năm 2016, anh trồng húng quế và rau thơm. Lần này, anh phát triển hệ thống canh tác thông minh tận dụng công nghệ, kết hợp với những nông dân lớn tuổi có đất thừa và lập kênh phân phối sản phẩm.
Mô hình mới thành công đến nỗi kể từ đó, anh đã triển khai mô hình ở 5 trang trại do những người khác điều hành, với 25 trang trại khác đang chờ triển khai và hơn 190 trang trại đề xuất triển khai.
Francisco Kweon tiết lộ, công ty của anh có tổng doanh thu là 4 triệu USD vào năm 2022 và anh đã ký các hợp đồng trị giá 30 triệu USD cho năm 2023.
Theo Lê Thanh Xuân/Dân Trí