Rạng sáng, trên những khoảnh đồi bạt ngàn màu xanh của cây đu đủ là không khí lao động hăng say của bà con xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Người hái, người thu gom, đóng bì để kịp giờ bán cho thương lái.
Tay thoăn thoắt cắt từng chùm hoa đu đủ cho vào giỏ, ông Ngân Đức Hạnh, bản Hắc, xã Trí Nang tỏ ra vui mừng. Ông Hạnh là một trong những người tiên phong trồng loại cây cho thu nhập "khủng" với người dân nơi vùng cao này.
|
Ông Hạnh vui mừng khi cây đu đủ sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao (Ảnh: Ngọc Thỏa). |
Năm nay, gia đình ông Hạnh trồng 1,5ha cây đu đủ đực xen canh với xoài. Theo ông Hạnh, cây đu đủ hợp khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, không mất thời gian làm giàn, ít dịch bệnh. Lứa cây này ông trồng từ tháng 2, đến nay đã cho thu hoạch những chùm hoa đầu tiên.
"Hoa bói chưa nhiều nên vợ chồng tôi tự hái, sau 3 giờ đồng hồ ra vườn, vợ chồng tôi hái được 60kg hoa đu đủ/300 gốc. Với giá bán 28.000 đồng/kg, gia đình thu về gần 2 triệu đồng", ông Hạnh cho biết.
Cây đu đủ ra hoa nhanh, bình quân mỗi tháng sẽ thu hoạch 2 lần. Trên diện tích 1,5ha cây đu đủ sẽ có sản lượng gần 1tấn hoa/tháng. Với giá bán như hiện nay, gia đình ông Hạnh sẽ thu về gần 30 triệu đồng/tháng.
|
Mô hình trồng đu đủ lấy hoa được người dân nhiệt tình hưởng ứng (Ảnh: Ngọc Thỏa). |
"Sau khi trừ kinh phí chăm bón, nhân công, gia đình tôi để ra được từ 17 đến 20 triệu đồng/tháng. Ước tính lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Đây đang là loại cây mang lại thu nhập cao nhất từ trước đến nay với gia đình", ông Hạnh vui mừng nói.
Để tiện chăm sóc cho cây, gia đình ông Hạnh thuê 5-6 lao động thời vụ tại địa phương, mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ gia đình ông Hạnh đang làm giàu từ hoa đu đủ đực mà tại xã Trí Nang có hàng chục hộ ở các thôn En, Năng Cát, Hắc, Giàng Vìn trồng loại cây này với diện tích khoảng 6ha.
Thấy lợi nhuận từ việc trồng đu đủ, gia đình chị Lữ Thị Bảy cũng mạnh dạn thuê hơn 1ha đất tại thôn Giàng Vìn trồng.
Chị Bảy cho biết, một cây đu đủ có thể cho hoa trong thời gian hơn 3 năm, nếu chăm sóc tốt sẽ được 4 năm mới phải nhổ bỏ, trồng lứa mới.
Năm đầu tiên, một cây hoa đu đủ đực sẽ cho thu hoạch khoảng 0,3kg hoa/đợt. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi cây sẽ có từ 0,5kg đến 0,7kg hoa/cây/đợt, sang năm thứ 3, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu 1-2kg hoa/cây/đợt; sản lượng đạt 9 tấn hoa/ha/năm. Sau mỗi lần thu hoạch bà con chỉ cần bón phân, tưới nước, cắt cỏ.
Theo chị Bảy, thị trường rất ưa chuộng hoa đu đủ. Bên cạnh sử dụng để chế biến các loại món ăn thì loại hoa có vị đắng này còn có thể dùng làm thuốc điều trị viêm họng, ho, sỏi thận, tiểu đường…
"Vừa rồi gia đình hái được 30kg hoa bói, bán đi Hà Nội, thành phố Thanh Hóa. Hoa bán ra có giá dao động 60.000-70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc bán ở thị trường ngoài bấp bênh, không ổn định nên tôi đã nhập cho hợp tác xã", chị Bảy chia sẻ.
Ông Vi Văn Thu, Phó chủ tịch UBND xã Trí Nang, cho biết mô hình trồng đu đủ lấy hoa tại địa phương bước đầu cho thấy rất hiệu quả. Sau thời gian trồng, cây hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, 4 tháng đã cho hoa bói, 6 tháng cho hoa đại trà.
Các hộ dân được Hợp tác xã nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bao tiêu sản phẩm.
Với 1ha cây hoa đu đủ đực, sau khi trừ hết chi phí, người nông dân sẽ có lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Thu nhập từ hoa đu đủ cao hơn nhiều so với cây keo và chanh leo đang có ở địa phương.
"Qua nghiên cứu thị trường, khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian tới xã sẽ vận động bà con nhân dân mở rộng thêm diện tích, chuyển đổi từ cây keo sang trồng đu đủ lấy hoa. Hy vọng cây đu đủ không chỉ mang lại no ấm mà còn là hướng làm giàu mới của bà con nơi đây", ông Thu nói.
Theo Hạnh Linh/Dân Trí