Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, rà soát các dự án điện gió, diện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch (kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến 2/2022).
Với các dự án đã vận hành cần rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã vận hành, đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Các dự án chưa vận hành, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có quy hoạch nhưng chưa đưa vào vận hành, cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành.
Đánh giá nguyên nhân chưa vào vận hành của các dự án: khó khăn, vướng mắc về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực đầu tư, tài chính... Đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện các dự án (thay thế hoặc loại bỏ quy hoạch nếu cần thiết...).
Văn bản của UBND các tỉnh đề nghị gửi về Bộ Công Thương trước 7/3.
Tổng thanh tra Chính phủ trước đó cũng đã có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của điện mặt trời, điện gió đã bổ sung lượng điện lớn điện tái tạo vào quy hoạch, vượt xa công suất điện mặt trời, điện gió tại quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh hàng chục lần.
Từ đó xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện, bị giảm phát điện.
Theo HÒA BÌNH/VTC