Thông tin ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập đồng thời là cựu Chủ tịch TMCP Á Châu (HoSE: ACB) từ trần hôm 25/4, hưởng thọ 72 tuổi, được biết đến rộng rãi sau khi ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB chia sẻ lên trang Facebook cá nhân.
Ông Trần Mộng Hùng, sinh năm 1953, quê quán tại Tiền Giang. Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Hùng có vợ là bà Đặng Thu Thủy, hiện là Thành viên Hội đồng quản trị ACB cùng 3 người con gồm Trần Đặng Thu Thảo, Trần Minh Hoàng và Trần Hùng Huy. Trong đó, ông Hùng Huy đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB.
|
Nhà sáng lập, cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng. |
Trước khi sáng lập ACB, giai đoạn từ năm 1978 đến 1980, ông Trần Mộng Hùng từng là giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng.
Với vốn kiến thức về nghiệp vụ tài chính, ông Hùng sau đó quyết định rẽ hướng sang làm kinh tế với cương vị Phó giám đốc ở Công ty Hoá nhựa TP.HCM. 8 năm sau, ông chuyển sang làm Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Tuy nhiên, đây cũng là công việc làm thuê cuối cùng của vị doanh nhân này, trước khi xây dựng ACB.
Đến 1993, ông Hùng bắt đầu xây dựng "đế chế" tài chính của riêng mình khi thành lập ACB, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Ở thời điểm ban đầu của ACB, ông Hùng làm Tổng giám đốc, sau đó giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của cựu Chủ tịch Trần Mộng Hùng gắn với ACB, từ ngày đầu xây nền móng cho đến những khúc thăng trầm, như Chủ tịch Trần Hùng Huy viết trên trang Facebook cá nhân mới đây: "Một đời Ba không nguôi cực khổ tận tâm với công việc".
Trong quá khứ, ông Trần Mộng Hùng đã dẫn dắt ACB là ngân hàng lớn mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là giai đoạn ACB vướng tin đồn “phá sản”, hoặc giai đoạn 2012 - 2017 khi ACB phải đối mặt và giải quyết “cục máu đông” nợ xấu do “nhóm 6 công ty” của bầu Kiên gây ra.
Năm 2005, tổng tài sản của ngân hàng ACB là 24.272 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ hai là Sacombank với 11.369 tỷ đồng. Thị phần huy động vốn và cho vay chiếm lần lượt 3,5%, 1,72% trong toàn ngành và 19,28%, 12,11% trong nội bộ hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần.
Nhà sáng lập cùng cộng sự của mình giúp ACB ghi dấu trên thị trường với loạt cột mốc như: Ngân hàng TMCP đầu tiên phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard (1996); ngân hàng đầu tiên thực hiện huy động và cho vay bằng vàng (1998); ngân hàng đầu tiên được kinh doanh vàng tại nước ngoài...
Sự phát triển của ngân hàng dưới sự lãnh đạo của ông Hùng đã thu hút được Standard Chartered Bank, tổ chức này trở thành cổ đông chiến lược của ACB vào năm 2005. Tháng 2/2006, vốn điều lệ của ACB đã tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng, vượt xa con số 20 tỷ ban đầu.
Cố vấn giàu kinh nghiệm đứng sau con trai
Năm 2008, ông Hùng rút khỏi Hội đồng quản trị ACB và lui về vai trò cố vấn sau 15 năm giữ ghế chủ tịch ngân hàng. Tuy nhiên, vào năm 2012, ông quay trở lại Hội đồng quản trị sau biến cố liên quan đến bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên). Thời điểm đó, ACB là một trong 3 ngân hàng cổ phần hàng đầu với lợi nhuận nghìn tỷ.
Trong muôn trùng khó khăn, ACB cần một cuộc thay đổi cấu trúc thượng tầng, ông Trần Mộng Hùng một lần nữa được các cổ đông lớn yêu cầu tham gia trực tiếp công việc quản trị, vực dậy ngân hàng.
|
Ông Trần Mộng Hùng cùng con trai Trần Hùng Huy. |
Để giúp ngân hàng vực dậy khó khăn, ông Hùng một lần nữa trở lại thương trường nhưng không giữ ghế thuyền trưởng ACB mà chọn làm thành viên HĐQT “đứng sau” Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Trần Hùng Huy - con trai ông. Với sự hỗ trợ, cố vấn giàu kinh nghiệm của cha, ông Huy nhanh chóng vực dậy ACB.
Sau gần 12 năm nhìn lại, dưới sự chèo lái của vị chủ tịch trẻ, ACB đã đứng dậy từ cú ngã sinh tử, giữ vững vị thế là một trong những nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam. Ông Trần Mộng Hùng - người cha, người cố vấn và cũng là người đồng nghiệp tin cậy đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của con trai ông - Trần Hùng Huy tại ACB.
Giai đoạn năm 2013 đến năm 2016, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định sau sự cố. Đến năm 2017, ACB đạt 2.656 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 60% so với năm 2016.
Sang đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB tăng tới 140%, đạt 6.389 tỷ đồng. Cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 607.875 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần sau 10 năm dưới sự điều hành của ông Trần Hùng Huy.
Trước khi qua đời hôm 25/4, nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại ngân hàng này. Con trai ông - Chủ tịch Trần Hùng Huy sở hữu hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,43% cổ phần. Bà Đặng Thị Thu Thủy nắm hơn 46,39 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 1,19% vốn ACB.