Trồng giống nho hạ đen đắt hơn nho nhập khẩu
Ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là một giám đốc HTX năng động, sáng tạo, đam mê làm nông nghiệp, đã thành công trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dưa kim cô được trồng trong nhà lưới.
Năm 2024, ông Lê Văn Bình đã mạnh dạn đưa giống nho hạ đen về trồng. Đây là giống nho sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, thịt quả dày, giòn, có mùi thơm dịu, ngọt, không có hạt.
Trên diện tích hơn 3000 m2, được ông Lê Văn Bình đầu tư làm nhà lưới bài bản, phía trên có mái che, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng trồng 1000 gốc nho hạ đen. Đến nay, vườn nho đã sai quả, hứa hẹn vụ đầu tiên thắng lợi.
Ông Lê Văn Bình, cho biết: "Trước khi đưa giống nho hạ đen về trồng, tôi đã đi rất nhiều nơi cả trong và ngoài nước với mục đích học hỏi cách làm nông nghiệp hiệu quả để về áp dụng tại địa phương mình.
Tôi đã có cơ hội đến Trung Quốc tham quan, trải nghiệm mô hình trồng nho hạ đen, một giống nho có năng suất cao, nhận thấy có thể phù hợp với điều kiện khí hậu của Xuân Mỹ.
Ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trồng thành công giống nho hạ đen trên đất ven biển bán sơn địa Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PV
Toàn cảnh trang trại trù phú của ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PV
Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu quá trình sinh trưởng phát triển của cây và thời gian cho ra quả. Đồng thời, đi tìm hiểu thêm một số tỉnh thành trong nước đã trồng thành công giống nho này như Ninh Thuận, Hà Nội. Cuối cùng tôi đã quyết định mua giống về trồng".
"So với các loại cây khác, nho hạ đen có ưu điểm vượt trội, thay vì phải trồng lại sau mỗi mùa vụ như dưa lưới. Cây nho chỉ cần trồng một lần, chăm sóc đúng cách sau mỗi vụ thu hoạch, cây có thể cho quả hàng năm mà không cần trồng lại.
Nếu chăm sóc tốt, giống nho hạ đen sẽ có tuổi thọ 10-15 năm. Điều này, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian rất nhiều.
Bên cạnh đó, giống nho hạ đen có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với dưa lưới, từ 120.000 -150.000 đồng/kg. Nếu thành công, mỗi vụ hạ nho có thể mang lại lợi nhuận gấp 2-3 lần so với các cây trồng thông thường", ông Bình bật mí.
Theo ông Bình, trồng nho hạ đen khá "khó tính", để đảm bảo cây sinh trưởng hiệu quả, cần phải có kỹ thuật cắt tỉa, quy trình bón phân, chăm sóc đầy đủ. Ngoài ra, nho còn rất "dị ứng" với mưa, ngập trũng, nên phải đào rãnh đất cao, trồng trong nhà lưới có hệ thống mái che để cây có điều kiện phát triển tốt nhất.
|
Ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trồng thử nghiệm thành công giống nho hạ đen trên vùng đất ven biển bán sơn địa. Ảnh: PV |
Việc chăm sóc nho hạ đen thời kỳ đầu rất vất vả, thường xuyên phải cắt tỉa, tạo tán, quan sát tỉ mỉ và đúng kỹ thuật mới có thể cho ra nhiều hoa và đậu quả.
Đến khi ra quả non phải tiến hành tỉa bớt để chùm nho đến khi thu hoạch đảm bảo được to tròn, đều và đẹp. Khi sắp thu hoạch phải đặc biệt quan tâm đến độ ẩm của đất để đảm bảo độ ngọt cho quả.
Vừa làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm
Xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân là vùng bán sơn địa ven biển, khí hậu không thuận lợi đối với cây nho. Nhưng nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nho được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cây nho phát triển khá tốt và cho quả sai.
Hiện nay, HTX đã kết nối các kênh tiêu thụ cũng như quảng bá hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội, thiết lập định vị tìm kiếm nông trại để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm.
Ông Lê văn Bình, cho hay: "Hơn một tháng nay, chúng tôi tiếp đón khá nhiều đoàn cũng như tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, trải nghiệm vườn nho hạ đen.
Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện để mọi người dân đến tham quan hay tìm hiểu mô hình về áp dụng triển khai. Nếu giống nho hạ đen tiếp tục cho thấy hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích".
|
Ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong vườn nho hạ đen trĩu quả. Ảnh: PV
|
|
Vườn nho hạ đen chùm to nặng trĩu cành. Ảnh: PV
|
"Đây là sản phẩm mang lại nhiều giá trị mới không chỉ dừng lại bán sản phẩm mà còn có ý nghĩa về sinh thái và cảnh quan. Chúng tôi sẽ hướng tới xây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn du lịch trải nghiệm với cây nho hạ đen là chủ đạo để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm", ông Bình tâm đắc nói.
|
Khách tham quan, trải nghiệm vườn nho hạ đen của ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PV. |
Ngoài trồng nho hạ đen, ông Lê Văn Bình còn trồng thử nghiệm thêm cả giống nho mẫu đơn, hy vọng cho hiệu quả và năng suất cao.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp chăm sóc hiện đại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp trang trại của HTX tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, đánh giá: "Thời gian qua, trên địa bàn huyện Nghi Xuân có khá nhiều mô hình sản xuất có tính sáng tạo. Đặc biệt, là mô hình trồng nho hạ đen của ông Lê Văn Bình đã đem lại hiệu quả rất tích cực.
Những thành công bước đầu của mô hình minh chứng cho ý chí vươn lên, sự sáng tạo trong lao động, mang lại những giá trị mới, hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị, chất lượng, thu nhập và thúc đẩy phát triển du lịch".
"Chính quyền địa phương luôn đồng hành, tiếp tục lan tỏa những mô hình, cách làm hay để tạo ra những khu dân cư, cũng như những khu sinh thái nhằm thu hút du khách về với địa phương", bà Trần Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nói.
Theo Nguyễn Hoàn/Dân Việt