Cuộc ly hôn ồn ã của vợ chồng "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầutừ năm 2015, khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa án nhân dân TP. HCM. Bà cũng có đơn gửi đến Chánh án TAND TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên, nơi hai vợ chồng cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Cho đến thời điểm hiện tại, các vấn đề phân chia sau ly hôn của cặp vợ chồng đại gia này hầu như đã được giải quyết ổn thỏa, duy chỉ còn vấn đề trợ cấp cho con cái sau ly hôn, có liên quan tới cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên, là chưa có sự đồng thuận giữa 2 bên.
|
Cuộc ly hôn của cặp vợ chồng ông Vũ bà Thảo bắt đầu từ năm 2015. Ảnh: Internet. |
Trước đó, trong buổi hòa giải ngày 3/8, tại TAND TP HCM, bà Thảo yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ cấp dưỡng cho mỗi người con là 5% số cổ phần tại Trung Nguyên. Như vậy, ông Vũ sẽ phải chia lại 20% số cổ phần của mình cho 4 người con. Phía ông Vũ không đồng ý với yêu cầu của bà Thảo, mà chỉ đồng ý chia 20% cổ tức cho 4 người con. Ông Vũ khẳng định, nếu ông được nuôi cả 4 người con, ông không yêu cầu bà Thảo phải cấp dưỡng nuôi con. Nhưng ông cũng nói thêm, đó là mong muốn của ông, song ông tôn trọng sự lựa chọn của các con. Hiện tại, phía 4 người con của ông Vũ và bà Thảo chưa có bất kỳ ý kiến gì về việc muốn ở với bố hay với mẹ sau khi bố mẹ ly hôn.
|
Ngày 3/8 vừa qua, ông Vũ có mặt tại tòa tiến hành phiên hòa giải, không đồng tình với phương án trợ cấp nuôi con bà Thảo đưa ra. Ảnh: Afamily. |
Dư luận xôn xao về con số 20% cổ phần và 20% cổ tức mà ông Vũ và bà Thảo nhờ các luật sư tranh luận nảy lửa. Sự khác biệt về cổ phần và cổ tức là rất rõ. Số phận của Trung Nguyên sau này cũng phụ thuộc vào cách thức chia lại số cổ phần của ông Vũ và bà Thảo khi ly hôn.
Vậy tại sao bà Thảo lại yêu cầu ông Vũ đáp ứng chia cho các con 20% cổ phần của ông tại Trung Nguyên và tại sao ông Vũ chỉ đồng ý chia 20% cổ tức?
Theo báo cáo tài chính năm 2017, Tập đoàn Trung Nguyên chỉ có ba cổ đông chính là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (sở hữu 70%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (20%) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (10%). Trung Nguyên có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng đang là một công ty chính, sở hữu các công ty con như Tập đoàn Trung Nguyên (70% như đã nêu), Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông cùng các tài sản thương hiệu, nhãn hiệu khác...
Đây là cơ cấu sở hữu kiểu hiện đại, không chỉ tách quyền sở hữu công ty, ông Vũ và bà Thảo cũng chuyển thương hiệu sang cho Đầu tư Trung Nguyên sở hữu, bao gồm các nhãn hàng, nhãn hiệu công ty, cà phê hạt, cà phê chuỗi, cà phê hòa tan.
Nếu tính gộp cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua Đầu tư Trung Nguyên thì ông Vũ đang là cổ đông lớn nhất nắm 61,66% của đế chế Trung Nguyên. Trong khi đó, sở hữu của bà Thảo có phần yếu thế hơn khi tỷ lệ cộng gộp là 30%.
|
Báo cáo tài chính về cổ đông nắm cổ phần tại Trung Nguyên. Ảnh: Vietnamnet. |
Như vậy, tổng số cổ phần của 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo là 91,66%. Khi ly hôn, nếu chia đôi cổ phần thì mỗi người có 45,83% cổ phần trong Đầu tư Trung Nguyên. Bà Thảo vì thế vẫn có quyền phủ quyết những quyết định của công ty này, tức ảnh hưởng đến Trung Nguyên nói chung.
Hoặc nếu ông Vũ đồng ý chia 20% cổ phần cho các con như đề nghị của bà Thảo, thì số cổ phần của ông Vũ giảm đáng kể, chỉ còn 32,51% (tính cả mẹ ông Vũ). Khi đó, cổ phần của bà Thảo và các con tại Trung Nguyên tăng lên 59,15%. Bà Thảo sẽ có cơ hội ra các quyết định liên quan tới Trung Nguyên khi sức mạnh cổ phần của ông Vũ đã giảm đáng kể.
Vì lý do này nên có thể nói việc bà Thảo đề nghị ông Vũ chia cổ phần cho các con cũng chính là cách để bà quay trở về Trung Nguyên - nơi mà bà gọi là nhà, không thể không về.
Khôi Nguyên (Tổng hợp)