Chuỗi quán cà phê giúp Trung Nguyên hình thành thương hiệu
Trong một bài viết trên tạp chí nổi tiếng Financial Times vào cuối năm 2011, Giáo sư Morgen Witzel của trường đại học kinh doanh nổi tiếng Exeter tại Anh Quốc có nhận xét rằng: “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng, người Việt có thể sản xuất được những loại cà phê sành điệu, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Thế là vào những năm 1990, nhãn hiệu Trung Nguyên ra đời với một nhà máy và một chuỗi quán cà phê. Đưa ngành cà phê Việt Nam vượt ra khỏi mặc cảm là cà phê chất lượng thấp, giá rẻ”.
Khi thị trường đang phát triển của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 250 USD (số thống kê vào năm 2011 là 1.200 USD), nhưng Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn thu hút thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Để làm được điều này, trước tiên Trung Nguyên cần phải thuyết phục người tiêu dùng nội địa sử dụng sản phẩm cao cấp, cũng như thuyết phục thị trường quốc tế rằng Việt Nam có thể sản xuất những loại cà phê cao cấp và chất lượng không thua kém “các tay chơi lớn”.
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ với thương hiệu cà phê Trung Nguyên.
Ảnh: Infonet.
|
Làm thế nào để chinh phục thị trường với một hệ thống phân phối nội địa kém hiệu quả như lúc bấy giờ? Ông chủ hãng cà phê lúc ấy đã có câu trả lời, thiết lập một hệ thống quán cà phê có kiểu mẫu một phần tương tự như Starbucks, nơi có thể giới thiệu và bán cà phê cho người tiêu dùng.
Cạnh tranh với những nhãn hiệu đa quốc gia
Kế hoạch xây dựng thương hiệu Trung Nguyên cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu đa quốc gia như Nescafe, và định vị nhãn hiệu như một phần văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Rất nhiều doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chính mình và doanh nghiệp. Điều đó cũng tốt, vì những mục tiêu khả thi sẽ giúp doanh nghiệp mới bảo toàn vốn và phát triển một cách an toàn.
Điều đặc biệt có thể thấy từ Trung Nguyên là luôn chọn những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều để tuyên bố cạnh tranh, như Nescafe, Vinacafe. Và kết quả là thị trường cà phê hòa tan Việt Nam được chia thành thế chân vạc rõ rệt. “Cuộc chiến” cũng đang diễn tiến thú vị và bất phân thắng bại.
Michael Dell, người sáng lập tập đoàn Dell từng phát biểu: “Khi chọn đối thủ lớn, tuyên bố cạnh tranh với lòng tự trọng sẽ giúp bạn luôn suy tư và tìm ra chiến lược tối ưu”.
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Ông từng được tạp chí National Geographic Traveller gọi là "vua cà phê", tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu "Zero to hero". 20 năm qua, đây là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt.
Dấu ấn trong khởi nghiệp của giới trẻ
Cách đây 4-5 năm, hơn 1 triệu cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu đã được ông chủ hãng Cà phê Trung Nguyên tặng miễn phí cho người dân Việt Nam, là cách ông trao cho người trẻ phương tiện để tìm thấy con đường, tìm thấy động lực từ bên trong chính mình...
Từ chiếc xe đạp cọc cạch đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, ông Vũ đã biến giấc mơ cà phê Việt Nam thành sự thực. Thành công nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hề giấu bí quyết của mình. Ngược lại, ông đặt rất nhiều kỳ vọng ở thế hệ trẻ kế tiếp và tin rằng, mỗi người đều có thể trở thành một con người tài giỏi.
"Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được. Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn", ông Vũ thẳng thắn chia sẻ.
Thậm chí, ông Vũ muốn mình trở thành nguồn cảm hứng để khơi dậy sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam. Bản thân ông xuất phát từ tay trắng, trải qua hành trình dài đầy thử thách, ông đã làm được thành công khiến mọi người đều ngưỡng mộ.
Vì thế, ông tin rằng, những người trẻ với nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nếu dám mơ ước, dám hành động thì hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp thành công. Đặc biệt trong thời đại 4.0, việc biến ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực của người trẻ thuận lợi hơn bao giờ hết.
Trong các diễn đàn kinh tế, các buổi nói chuyện với sinh viên, truyền cảm hứng, động lực cho sinh viên, trao gửi tâm thế cho thế hệ trẻ trên bước đường khởi nghiệp, kiến quốc, ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên đều nhấn mạnh khát khao muốn Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm ra thế giới.
|
Xung đột trong việc tranh chấp quyền điều hành ở tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện sau này của vợ chồng "vua cà phê". Ảnh: Zing. |
Pháp lý cuộc ly hôn nghìn tỷ vẫn chưa có hồi kết
Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Những tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên và các công ty liên quan cũng xảy ra đồng thời với cuộc ly hôn nghìn tỷ giữa hai vợ chồng sáng lập thương hiệu cà phê này kéo dài 3 năm.
Năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa. Đến nay, sau 3 năm, vụ việc vẫn chưa có hồi kết. Bà Thảo cũng có đơn gửi đến Chánh án TAND TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.
Nói về việc này, bà Thảo từng nhấn mạnh rằng sự việc đang được giải quyết trên cơ sở tôn trọng pháp luật và phán quyết của tòa án. Khi có kết quả cuối cùng, công ty sẽ có thông báo cụ thể. Bà Thảo mong muốn những việc cá nhân hay gia đình không ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Theo số liệu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp lý và có quyền điều hành. Tuy nhiên, trong thời gian này, tòa án thụ lý xem xét vụ ly hôn của ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên, hai vợ chồng cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Ông Vũ và bà Thảo kết hôn vào năm 1998. Ngoài chuyện phát triển Tập đoàn Trung Nguyên, cặp đôi này cũng có với nhau 4 người con. Đến nay cuộc ly hôn nghìn tỷ này vẫn chưa có hồi kết.
Theo Phương Hoài/VOV