Ai đứng sau dự án Hồ Ba Bể và Hòn Đỏ sắp bị thanh tra?

Google News

Chủ dự án Hồ Ba Bể và Hòn Đỏ ở Ninh Thuận sắp bị thanh tra là của Công ty Cổ phần Sơn Hải và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòn Đỏ.

Theo VOV, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện địa phương đang rà soát lại 22 dự án du lịch chậm tiến độ và trong năm 2024 sẽ tiếp tục thanh tra 2 dự án gồm: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ và Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể.
Theo tìm hiểu, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể nằm tại xã Phước Dinh, (huyện Thuận Nam) do Công ty Cổ phần Sơn Hải làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2008, có trụ sở tại Ninh Thuận, do ông Trần Tuấn Việt là người đại diện theo pháp luật.
Năm 2009, dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp điều chỉnh lần thứ 4 vào năm 2017 với diện tích trên 47 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 120 tỷ đồng, và dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ ngày cấp điều chỉnh lần thứ 2 (2014). Tuy nhiên, đến nay, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể triển khai chậm tiến độ.
Ai dung sau du an Ho Ba Be va Hon Do sap bi thanh tra?
Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ. 
Đối với dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ nằm tại xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòn Đỏ làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2011, có trụ sở tại Ninh Thuận và do ông Phạm Văn Huyền là người đại diện.
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2011, trên diện tích đất sử dụng 33 ha; vốn đầu tư 459,8 tỷ đồng.
Theo giấy phép xây dựng, chủ đầu tư được xây dựng các hạng mục bao gồm khu biệt thự 1 tầng với số lượng 13 căn (180,55 m2/căn); 2 khu biệt thự xanh với số lượng 39 căn biệt thự cao 1 tầng (438,8 m2/ căn); khu khách sạn 4 tầng cao 17,5 m.
Ngoài ra, công ty cũng được phép xây dựng các hạng mục như khu tiếp đón trung tâm thông tin, cao 2 tầng (1097,84 m2); khu quầy lưu niệm (404,24 m2); khu Spa Center (430 m2); khu kỹ thuật phụ trợ…
Dự kiến hoàn thành đưa dự án vào hoạt động trong vòng 48 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau đó, dự án được chấp thuận giãn tiến độ đến tháng 12/2022. Tuy nhiên đến nay, dự án không đạt tiến độ đầu tư, hoàn thành theo mục tiêu, quy mô được phê duyệt.
Ninh Thuận hiện có 56 dự án du lịch, trong đó 23 dự án đưa vào hoạt động, còn lại 20 dự án đang thi công, 13 dự án đang làm thủ tục về đất rừng, đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư.
Ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho báo chí biết: Du lịch Ninh Thuận được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nên tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tâm huyết, có trách nhiệm khi đầu tư, thực hiện dự án tại địa phương.
Đối với các nhà đầu tư thiếu năng lực, các dự án chậm tiến độ kéo dài, chây ì thực hiện gây ảnh hưởng không tốt đến phát triển du lịch địa phương, UBND tỉnh sẽ kiên quyết xử lý.
Khánh Hoài (tổng hợp)