“Khi quyết định nghỉ việc, giám đốc công ty tôi tăng lương lên 3.000 USD để giữ tôi lại, trước đó chỉ 14 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi đã có hướng đi, mục tiêu của riêng mình rồi nên sẽ theo đuổi nó, không có gì có thể cản đường được”, anh Nguyễn Văn Tư (1991), trú tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2013, anh tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hóa học của Đại học Bách khoa Hà Nội. Một năm sau khi ra trường, anh được nhân làm phó phòng sản xuất của một công ty Nhật Bản tại Hà Nội. Mức thu nhập của anh lúc này đang là 14 triệu đồng/tháng, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Bỗng một ngày, anh đề đơn xin nghỉ việc, giám đốc người Nhật không khỏi bất ngờ và đề nghị tăng lương để giữ anh lại nhưng anh vẫn quyết rời đi theo mục tiêu của mình.
Anh Tư trở về quê chế tạo máy sấy thăng hoa.
Trước khi có quyết định về quê chế tạo máy sấy thăng hoa, anh đã tìm hiểu rất kỹ và phối hợp với bố, anh trai chế tạo thành công một máy. Anh cho biết vào năm 2014, anh biết đến công nghệ sấy thăng hoa. Anh thấy khá hay nên tìm hiểu và nghiên cứu về công nghệ này.
“Trong quá trình tìm hiểu, tôi mới biết đây là một chiếc máy đắt đỏ và siêu lợi nhuận, giá của những chiếc máy này khi về tới nước ta có giá lên đến vài chục tỷ đồng. Điều đó dẫn tới việc tiếp cận công nghệ sấy thăng hoa sẽ khó đối với nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Lúc này, tôi nghĩ sao họ làm được, mình làm thử xem sao”, anh cho hay.
Từ thời điểm này, anh bắt đầu dành mọi thời gian rảnh để nghiên cứu, thậm chí nhiều hôm say mê anh còn thức xuyên đêm để tìm tòi về công nghệ chế tạo máy sấy thăng hoa.
Khi đã nắm sơ sơ về cách chế tạo máy, anh truyền cảm hứng cho bố và anh trai ở quê để phối hợp cùng làm, thuận tiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm. Anh dành mọi ngày cuối tuần để trở về quê cùng bố và anh trai chế tạo.
Mỗi chiếc máy có giá dao động từ hơn 200 triệu đến hơn tỷ đồng, tùy công suất.
Đến khoảng năm 2018, chiếc máy đầu tiên cũng hoàn thiện nhưng khi vận hành thì lại bị lỗi, khí gas rò rỉ rất nhiều. Thời điểm này cũng là lúc anh quyết định nghỉ việc để chú tâm hơn trong việc nghiên cứu, thử nghiệm. Khi có quyết định này, bố mẹ anh cũng phản đối nhưng sau thấy được sự nhiệt huyết và đam mê của anh thì không ngăn cản gì.
Khi trở về, anh quyết tâm hơn, dành mọi thời gian nghiên cứu. Có những hôm, ba bố con thức đến tận 3h sáng để tận dụng không gian yên tĩnh ngồi nghe tiếng máy, tiếng khí gas hở để khắc phục.
Sự chăm chỉ và quyết tâm của ba bố con anh cuối cùng cũng có thành quả, chiếc máy hoàn thiện đã ra đời. “Những chiếc máy được bán ra thị trường được khách hàng đón nhận. Tôi mừng vui khôn xiết, luôn dặn mình phải cố gắng để làm ra những chiếc máy tốt nhất cho khách hàng”, anh chia sẻ.
Nhờ công nghệ đã được đơn giản hóa, giá thành máy sấy thăng hoa do nhà anh sản xuất thấp hơn nhiều so với những chiếc máy nhập khẩu. Theo anh, giá chỉ bằng 1/3 so với máy nhập khẩu, cụ thể là 250 triệu đồng cho máy công suất nhỏ và 1 tỷ đồng là giá bán máy công suất lớn.
Mỗi năm, anh Tư thu lãi khoảng 3 tỷ đồng từ việc sản xuất máy này.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng tại cơ sở anh Tư xuất bán ra thị trường từ 4-5 chiếc máy. Mỗi năm anh thu lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Để có được thành tựu như ngày hôm nay, anh đã trải qua không ít những thất bại, khó khăn. “Khó khăn đầu tiên phải kể đến sự thuyết phục bố mẹ cho về quê lập nghiệp. Tiếp theo, kỹ thuật và tài chính cũng khiến anh phải đau đầu nhiều lần. Chưa kể, việc sản xuất khi đưa ra thị trường để mọi người biết đến, tin tưởng, đặt mua cũng là một quá trình gian nan, thử thách”, anh tâm sự.
Bật mí về những dự định tương lai, anh Tư cho biết sẽ hướng công nghệ sấy thăng hoa đến các mặt hàng nông sản Việt để góp phần nâng cao giá trị nông sản, cũng như giải quyết một phần vấn đề nông sản được mùa thường mất giá. Hiện tại, anh cũng đang mở thêm dịch vụ sấy nông sản cho các khách hàng chưa có điều kiện đầu tư máy.
Theo Anh Thư / Dân Việt