Chị Nguyễn Ngân (1983) sinh ra ở một huyện ngoại thành Hà Nội chia sẻ sau một vài năm đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, năm 2010 chị quyết định khởi nghiệp bằng việc đầu tư một ảnh viện áo cưới tại Thủ đô.
Tuy nhiên, con đường này không hề bằng phẳng khi ngoài số tiền đầu tư sửa sang, trang trí lại cửa hàng cho phù hợp; đặt may váy cưới các loại, đặt may áo dài, may đồ chú rể, mua đồ trang điểm, máy ảnh, máy tính,... hàng tháng chị vẫn phải chi ra số tiền lớn trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên. Cùng với đó, sự cạnh tranh trong ngành này cũng rất khốc liệt, chưa kể đây là ngành có tính thời vụ cao nên hết mùa cưới thì doanh thu của các ảnh viện áo cưới sụt giảm mạnh.
|
Nhu cầu khách hàng tăng cao và danh sách các đối thủ không ngừng gia tăng là thách thức lớn đối với các đơn vị tổ chức sự kiện cưới hỏi - Ảnh Minh Quý |
Để tạo ra nguồn thu cho cửa hàng trong những tháng thấp điểm, chị đã nghĩ thêm các gói chụp ảnh khác như chụp ảnh kỷ yếu, chụp ảnh gia đình,... Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện, khách hàng khá èo uột, tiền thu hàng tháng chỉ đủ cầm cự để trả lương cho nhân viên, còn tiền thuê cửa hàng coi như lỗ.
Sau 2 năm mở ảnh viện áo cưới, chị quyết định thanh lý toàn bộ cửa hàng để thu hồi vốn vì lúc đó hợp đồng thuê nhà cũng kết thúc. Bà mẹ sinh năm 1983 thừa nhận khi đầu tư thì mất một khoản tiền tương đối lớn, nhưng khi thanh lý số tiền thu về không được là bao. Kết quả ở lần khởi nghiệp đầu tiên không chỉ khiến chị mất công sức trong suốt 2 năm trời, với nhiều đêm mất ngủ, chị còn gánh thêm khoản lỗ tới 400 triệu đồng.
Dù thất bại ở lần khởi nghiệp đầu với ảnh viện áo cưới, nhưng chị vẫn có niềm đam mê lớn với ngành cưới hỏi. Do đó, sau khi lập gia đình, đến năm 2016 với số vốn trong tay khoảng 200 triệu đồng, chị vay thêm 300 triệu đồng nữa để khởi nghiệp lần 2 với dịch vụ tổ chức sự kiện cưới hỏi.
Sau những thành công bước đầu, đến năm 2018 chị quyết định vay thêm 800 triệu đồng để đầu tư thêm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ và phát triển mở rộng thị trường. Nhưng do “miếng bánh nào ngon” thì luôn có nhiều người nhòm ngó, thấy gia đình chị làm ăn được nhiều người khác trong vùng và khu vực lân cận cũng nhảy vào. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tay chơi đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, khiến cho thị trường trở nên vô cùng sôi động. Chị Ngân chia sẻ, dù bản thân đã cố gắng hết sức trong thời gian qua nhưng đang dần đuối sức với lần khởi nghiệp thứ 2 này.
Chị cho biết, những khó khăn càng trở nên chồng chất khi dịch Covid-19 ập đến, lịch cưới hỏi của nhiều gia đình đều bị hủy hết, khiến những người làm nghề dịch vụ như gia đình chị bị thiệt hại nặng nề.
Sau gần 4 năm đầu tư vào dịch vụ cưới hỏi, bản thân chị đang mang khoản nợ gần tỷ đồng. Đổi lại cho những vốn liếng và công sức bỏ ra trong những năm qua, hiện trong tay bà mẹ 8X hiện chỉ có mấy chục tấn sắt vụn, cộng với chiếc xe tải cà tàng, một nhà vải vóc cùng với 3 kho đồ trang trí. Nếu mang tất cả ra thanh lý không chắc có thể thu về 500 triệu đồng.
Sau những thất bại của mình trong 10 năm qua, chị Ngân thừa nhận trong khởi nghiệp không có con đường nào là bằng phẳng, những sai lầm không chỉ phải trả giá bằng tiền bạc mà bằng cả rất nhiều công sức. Do đó, với những bạn trẻ đang có kế hoạch khởi nghiệp cần chuẩn bị cho mình đầy đủ những kiến thức về con đường mình sẽ đi, lĩnh vực mình chọn; đặc biệt cần chuẩn bị một kế hoạch khởi nghiệp thật chi tiết. Bên cạnh đó, chị cũng cho rằng việc tự chủ động được nguồn vốn là tốt nhất bởi nếu vay mượn quá nhiều để khởi nghiệp thì áp lực trả nợ có thể trở thành một gánh nặng về sau.
Theo Dân Việt