Trứng kiến được vợ chồng anh Hân săn thường là của kiến vàng và kiến nâu. Vì trứng của chúng khá to, thơm và béo ngậy (trứng của một số loài kiến khác có thể vì quá nhỏ nên chỉ làm mồi câu cá). Kiến vàng đẻ trứng quanh năm, vợ chồng anh Hân thường xuyên đi săn và lần đi nào cũng gặp được tổ to (0,6-1kg).
Đến nửa đầu mùa mưa, cây cối đơm bông, kết trái, trứng kiến càng nhiều, trắng ngần. Anh Hân cho biết: “Săn trứng kiến mùa mưa chỉ đi được một buổi nhưng số lượng nhiều hơn so với mùa nắng. Mỗi lần đi săn kiếm được 1-2kg”. Tuy nhiên, săn trứng thời gian này khá vất vả, do thời tiết mưa bất ngờ và to nên kiến ít khi ra khỏi tổ, khó lấy trứng.
|
Khoảng 1,5kg trứng kiến là thành quả sau 1 buổi sáng đi săn của vợ chồng anh Hân (ảnh nhỏ). Dụng cụ chính đi săn trứng kiến của vợ chồng anh Hân là cái sào có gắn vợt (ảnh lớn). |
Cùng đi với vợ chồng anh Hân, chúng tôi bám dọc sông Mã Đà, luồn dưới tán cây tìm tổ kiến. Chỉ trong buổi sáng vợ chồng anh phát hiện 3 tổ. Khi đi săn, thợ kiến chỉ cần nhìn thấy những thân cây bị chặt đứt ngọn là biết vừa có tổ kiến bị bắt nên sẽ quay lại nơi đó sau 1 tháng, khi kiến đã kịp làm tổ mới.
Đưa nhanh các tổ kiến vừa lấy được đến chỗ đất trống, anh Hân đặt trên vỏ bao xi măng, dùng dao chặt thành từng mảnh nhỏ, từ ngoài vào trong. Chị Hạnh (vợ anh Hân) nhanh tay đưa các cành cây nhỏ, nhiều lá phủ lên trên. Kiến bị động gặp cành cây liền bò lên. Trong chốc lát, kiến bò đầy các cành, chị Hạnh liền vứt nhanh chúng ra xa, tách được đàn kiến khỏi trứng. Anh Hân vừa phụ vợ vừa cười nói: “Nếu để kiến ở bên trứng lâu, chúng sẽ ôm trứng bò đi”.
Với kinh nghiệm nhiều năm săn trứng kiến, anh Hân cho biết thêm: “Nửa đầu mùa mưa, trứng kiến mới, mẩy. Sau 2 tháng quay lại, trứng đã nở. Khi đi săn tìm gặp tổ nào lấy tổ đó, chứ chừa lại (để ổ trứng nhiều thêm và to ra) là mất. Bên cạnh đó, kiến chỉ chọn làm tổ những nơi vắng, không mùi thuốc trừ sâu, ít khói đốt vườn rẫy nên thợ săn thường chọn tới những địa điểm này, cách 1 tháng trở lại 1 lần...".
Anh Hân tiết lộ thêm: "Cách kiến chọn nơi làm tổ an toàn, sạch sẽ, lại giàu giá trị dinh dưỡng là lý do các nhà hàng chọn trứng kiến chế biến chiên, xào, làm bánh, nấu cháo, xôi... thu hút thực khách. Chị Hạnh khẳng định: “Đôi lúc tùy hứng, chúng tôi không bán mà làm xôi ăn thay cơm. Cách làm rất đơn giản, nấu xôi chín, xào trứng kiến với hành rồi để riêng. Khi ăn rải trứng kiến xào lên trên chén xôi. Xôi vừa dẻo thơm vừa béo ngậy, rất ngon miệng”.
Khâu chế biến món trứng kiến khá cầu kỳ, nhất là xào với lá nghệ hay làm nhân bánh nếp, nấu xôi... Khi chế biến cần lược bỏ tạp chất và kiến già bằng cách sàng trong chậu nước, sau đó rửa sạch. Phải chế biến khi trứng còn tươi, tránh trứng hỏng sẽ mất dinh dưỡng và vị thơm ngon. Với những người lần đầu ăn trứng kiến nên ăn ít một để tránh cơ thể bị dị ứng.
Những ngày này đi dọc tuyến đường liên thôn, xã ở các xã Tân Hòa, Tân Lợi (huyện Đồng Phú), Tân Thành (thị xã Đồng Xoài), chúng ta rất dễ dàng gặp những người cầm theo cái sào dài có gắn vợt ở đầu, chăm chỉ đi săn trứng kiến để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Theo Trung Nhân /Báo Bình Phước