Đêm hiểm nguy mùa lũ
Những ngày này, khi mùa lũ đẹp đang về sớm mang theo cá, tôm đầy đồng và đây là thời điểm tốt nhất để người dân nghèo vùng thượng nguồn sông Cửu Long giăng câu, thả lưới. Trong đó, nhiều người chọn nghiệp săn bắt rắn đêm để mưu sinh.
Tối, trong ánh điện nhập nhoạng, anh Nguyễn Văn Sơn (39 tuổi, ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đang sắp đồ chuẩn bị cho đêm săn rắn mưu sinh. Rời bến kênh Lò Gạch lúc 9 giờ tối sau bữa cơm muộn của ngày đồng áng vất vả, anh Sơn rong chiếc xuồng máy cọc cạch đi săn rắn kiếm thêm tiền nuôi gia đình.
Anh Sơn bảo trong những nghề mưu sinh theo mùa nước nổi thì nghề săn rắn là nguy hiểm nhất. Bởi thợ săn nếu sơ sảy bị rắn độc cắn sẽ chết ngay mà chẳng ai hay biết giữa bụi rậm hay trong những cánh rừng lúp xúp.
|
Một chú rắn dính bẫy trong đêm. |
Anh Sơn bảo, mùa này nước nổi mới về, nước tràn đồng thì các loài rắn cũng bò lên những mô đất cao, tán cây nhiều, đó cũng là thời điểm bắt đầu mùa săn rắn của những người như anh.
Đồ nghề săn rắn khá đơn giản chỉ cần một cây chĩa, cái ná, súng chĩa, chiếc đèn pin, chiếc bẫy,… và một chiếc xuồng là có thể hành nghề. Tất nhiên điều tiên quyết cần có là kinh nghiệm săn rắn, nếu không sẽ bỏ mạng và thất thu vì không có được thành quả.
Anh Sơn cùng người đồng nghiệp tấp lại bên một gò nhỏ, nơi anh bằng kinh nghiệm của mình đoán biết rắn đang trú ngụ. Rất nhanh, với chiếc đèn pin trên đầu anh cùng cây chĩa, anh đã tóm gọn một chú rắn lãi. Động tác thành thục và chuẩn xác đến từng giây khiến cho người ngoại đạo phải kính nể.
|
Bằng động tác chuẩn và thành thục, người thợ săn rắn bắt rắn. |
Anh Sơn bật mí, thường thì người săn rắn rất dễ gặp phải rắn độc bởi thiếu kinh nghiệm và tham bắt các loại rắn. Thường thì chỉ bắt những loại rắn thông thường như rắn lãi, rắn nước, hổ hành… còn nếu liều lĩnh bắt các loại rắn cực độc như cạp nong, hổ chúa thì rất dễ tử nạn bởi nọc độc. Trong khi thợ săn thường chỉ đi một mình bởi làm nghề này là chấp nhận nhiều thứ nguy hiểm.
Để vừa dễ xoay trở khi phát hiện rắn, vừa có thể luồn lách vào những ngọn cây rậm rạp nên thợ phải đi bằng xuồng nhỏ một mình. Bởi vậy, ngoài chuyện rủi ro từ rắn cắn, khi gặp mưa giông bất ngờ xuồng rất dễ lật úp. Nếu có thêm người trên xuồng, độ nguy hiểm càng tăng.
Và khi bị rắn độc cắn thì không có người đồng hành giúp đỡ, nhiều người đã tử nạn trong lùm cây, bụi rậm hay ngay mép nước bên chiếc xuồng máy của mình.
Anh Sơn kể, hồi mấy đêm trước anh bẫy trúng con rắn lạ có nhiều khoanh màu trắng đỏ phùng mang phun nọc độc còn hơn rắn hổ mang chúa. Anh chỉ biết dùng cây đuổi con rắn chứ không dám bắt nữa.
Lộc của mùa nước nổi
Trong đêm theo anh Sơn đi săn rắn, rất nhiều câu chuyện về đời, về người, về vùng đất và cả về loài rắn được anh bộc bạch. Đêm hôm ấy, anh Sơn bắt được khoảng 3kg rắn các loại.
Anh Sơn nhẩm tính mỗi ký bán cho bạn hàng từ 100.000 - 250.000 đồng/kg. Với giá bán từ 100 - 250.000 đồng/kg thì anh em cũng kiếm được từ 300-600.000 mỗi đêm. Chừng đó đủ để gia đình anh sống được vài ngày. Sau đó anh rong xuồng quay về dù chưa hết đêm. Anh Sơn bảo không nên tham quá, bắt đủ cho mình là được.
Một điều gần như bất thành văn của anh và các thợ săn rắn vùng này, ấy là không bắt rắn theo kiểu tận diệt. Chứng kiến trong các bẫy rắn của anh có khá nhiều rắn nhỏ, anh Sơn đều thả rắn nhỏ đi, chỉ bắt những con rắn lớn mà thôi. Đó là quy định của nghề mà gần như tất cả đều phải theo.
Khi thấy số rắn bắt được trong đêm đủ kiếm tiền trang trải cuộc sống thì người thợ săn sẽ kết thúc cuộc săn. Hơn ai hết, những thợ săn này hiểu rằng không tận diệt là tạo cho chính mình cơ hội tiếp tục mưu sinh trong những mùa lũ sau.
|
Rắn được bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập. |
Mang chiến lợi phẩm sau một đêm săn về nhà, chúng tôi trút hết mệt nhoài sau một chuyến săn thú vị trên đầu nguồn sông Hậu, rồi tề tựu tại nhà anh Sơn trong lúc anh đi bán số rắn bắt được cho các thương lái.
Rạng sáng trên miền nước nổi miền Tây, mấy đứa con của anh Sơn cố thức để nghe chúng tôi kể chuyện nhưng vẫn không ngừng ngáp ngủ. Vợ anh Sơn đãi cả nhóm bằng món rau rừng và cà pháo mọc ở bên bờ con nước, cùng một mớ ốc mà chị mò mẫm được cả buổi tối, thế là thành một bữa nhậu linh đình.
Tha hồ uống. “Hôm nay may đó chú à, còn có cái mà nhậu, có hôm không có gì, mà đa phần là về không!”, anh Sơn bộc bạch thế.
Người đi săn rắn mùa nước nổi thường là những người dân quanh năm lam lũ với đồng ruộng. Cứ đến mùa nước nổi là họ kéo nhau đi săn rắn để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Họ cũng biết việc mình làm là góp phần hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống nhưng biện minh rằng không đi bẫy thú thì cũng chẳng còn việc gì làm vào mùa này.
“Hồi đó thú rừng và rắn nhiều vô kể, ngày nào cũng có để ăn và bán lại cho các đầu nậu. Giá rắn rừng lúc đó rất rẻ, không như bây giờ. Tiền bán được không đủ để mua dây làm bẫy, dây phải mua ở ngoài phố chứ ở trong này không có. Làm giàu cho thương lái thôi chú à! Chứ còn anh em đi săn đây thì có gì đâu, miếng tôn mỏng che mái nhà còn mua chưa được, huống hồ gì mà giàu có!”, anh Sơn giãi bày khi nhìn ra mênh mông nước nơi đầu nguồn sông Hậu.
Mùa này, lũ đang về, và nhiều người dân nghèo miền Tây đang chờ nước lên để mưu sinh trong gian khó và nguy hiểm, như những người thợ săn rắn như anh Sơn.
Theo Tiêu Dao-Minh Ngọc /CAND