Với việc phối hợp cùng các lực lượng chức năng, Xwatch Luxury đã triển khai chương trình thẩm định miễn phí chất lượng đồng hồ cho người tiêu dùng. Sau hơn 2 năm triển khai, trong số 12.000 người đăng ký thẩm định đồng hồ miễn phí đã phát hiện 5.000 người mua phải đồng hồ giả mà không hề hay biết.
Đồng hồ giả ngày càng tinh vi
Cầm chiếc đồng hồ Tissot trên tay sau khi được thẩm định miễn phí, anh Nguyễn Văn Dũng ở phố Hòa Mã (Hà Nội) không dấu được sự ngỡ ngàng chia sẻ: “Tôi mua đồng hồ giả này trị giá 12 triệu đồng nhưng khi thầm định thì cán bộ kỹ thuật cho biết, nó chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng được bán đầy ở chợ phố Huế và là hàng fake có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Theo anh Dũng, khi vào thẩm định, người ta đặt chiếc đồng hồ của anh với chiếc đồng hồ được mua với giá 1 triệu đồng ở phố Huế và đồng hồ thật thì quả thực bằng mắt thường cũng không thể nào nhận biết được. Đặc biệt, chiếc đồng hồ của anh Dũng còn được những cán bộ kỹ thuật đánh giá là trình độ làm giả tinh vi, chỉ có máy móc mới phát hiện ra chứ bằng mắt thường thì người không có kinh nghiệm về đồng hồ cũng khó có thể phân biệt được.
Anh Đinh Ngọc Chiến – Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Đồng hồ chính hãng Xwatch cho biết, nhiều người tiêu dùng cứ nhìn vào những giấy tờ nên chính giấy tờ lại lừa họ mua phải hàng giả. “Với đồng hồ cao cấp thì họ thường lắp máy của các hãng đồng hồ thông thường nhưng dây, vỏ được làm rất tinh vi. Do đó, có những loại đồng hồ của các hãng cao cấp phải tháo máy ra mới có thể phát hiện được”, anh Chiến cho biết. Theo anh Chiến, nếu chỉ check code cũng khó phân biệt vì rất nhiều hãng đồng hồ có chung code như nhau hoặc có thể sử dụng code giả, chỉ có cách check con chíp chính hãng thì mới phân biệt được hàng thật và hàng giả.
Để giúp người tiêu dùng phân biệt được đồng hồ thật với đồng hồ giả, Xwatch đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức các hoạt động thiết thực để chống lại nạn đồng hồ giả đang hoành hành.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, sau hơn 2 năm triển khai chương trình, đã có hơn 12.000 đồng hồ được đăng ký qua trang web và 2.500 lượt thẩm định trực tiếp tại cửa hàng, trong đó có tới 216 đồng hồ fake đã bị tiêu hủy và hàng ngàn chữ ký tẩy chay đồng hồ fake qua mail là những con số ấn tượng sau bốn mùa thẩm định.
|
Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đồng hồ thật và đồng hồ fake. (ảnh Phi Long) |
Thậm chí, để người tiêu dùng có thêm kiến thức, kỹ năng phân biệt đồng hồ giả, đồng hồ thật, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với các chuyên gia của Xwatch giải phẫu đồng hồ super fake và thẩm định đồng hồ Omega super fake trị giá 100 triệu đồng.
Bỏ 200 triệu vẫn mua phải Rolex giả
Ông Đặng Văn Trường – Phó phòng Kỹ thuật Xwatch cho biết: “Qua quá trình thẩm định tại website và thẩm định trực tiếp tại cửa hàng, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng thiếu kiến thức và thông tin về đồng hồ thật giả, bằng chứng là trong số 12.000 người đăng ký thẩm định qua web thì có đến 5.000 người mua nhầm đồng hồ giả thương hiệu. Thậm chí có trường hợp mua phải Rolex fake tinh vi với giá lên đến 200 triệu đồng.
|
Gần 5.000 người sau khi được thẩm định miễn phí mới biết mình đã bỏ tiền ra mua đồng hồ fake. (ảnh Phi Long) |
Các cơ quan chức năng cho biết, có khách hàng bỏ tới 100 đến 200 triệu đồng ra để mua đồng hồ với mong muốn được sở hữu không chỉ “cố mãy thời gian” mà còn có được một đồ vật sang trọng nhưng vẫn mua phải hàng giả. Tính tới ngày 15.8.2017, chương trình thẩm định đồng hồ đã tiếp cận tới 20 triệu người, trong đó có 14.535 người đăng ký thẩm định online, đã tiến hành thẩm định 11.777 đồng hồ, trong đó có 4.758 đồng hồ feke, chiếm 40,4%, 5.000 người đã ký tên chung tay tảy chay đồng hồ fake và các cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy 216 đồng hồ fake.
|
5.000 người bỏ tiền triệu mua đồng hồ giả không hề biết. (ảnh Phi Long) |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): người tiêu dùng bỏ ra vài triệu và thậm chí là hàng trăm triệu để mua một chiếc đồng hồ nhưng lại là đồng hồ giả. Từ đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng rất lớn. Đồng hồ là một mặt hàng tinh vi, nếu hàng giả tiếp tục hoành hành sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo của người sản xuất và kinh doanh. “Đối mặt hàng giả nói chung và đồng hồ nói riêng là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng, nếu không có những cán bộ kỹ thuật, chuyên gia giỏi thì không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả”, ông Hùng nói.
Cùng chung nhận định trên, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương Hiệu Việt Nam cho biết, các vật dụng mà mỗi người sử dụng hàng ngày có khi cũng không biết được đâu là hàng giả, hàng thật. Trong tổng số những ngành hàng ở Việt Nam như: lương thực, thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, nước giải khát, bia rượu, thuốc bảo vệ thực phẩm, mỹ phẩm…đều có hàng giả, hàng nhái.
Nếu như trước đây thường phải mất một năm mới có hàng giả, hàng nhái thì bây giờ, mỗi một sản phẩm mới ra đời chỉ sau 1 tháng là có hàng giả, hàng nhái, thậm chí ở lĩnh vực điện thoại có sản phẩm hàng nhái còn ra ngay sau 1 tuần. “Bản thân các doanh nghiệp rất tinh tường đối với sản phẩm của họ và họ có đủ các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia để phân biệt hàng giả, hàng nhái nhưng việc phối hợp giữa doanh nghiệp với các lực lượng chống hàng giả, hàng nhái hiện nay tôi thất còn rất khiêm tốn”, ông Bảo cho biết.
Theo Phi Long/Dân Việt