- Trường hợp các khách hàng mua đồng hồ hiệu đắt tiền qua mạng nhưng kết quả chỉ là đồng hồ nhái, chất lượng kém đã khiến ông Trần Bảo Cương, thợ sửa chữa đồng hồ 40 năm kinh nghiệm, nhớ mãi. Những tư vấn của ông Cương sẽ giúp độc giả có thêm thông tin khi chọn mua đồng hồ.
Tiền “xịn” mua đồng hồ giả
Ngày 19/11, tại cửa hàng sửa chữa đồng hồ 11 Hàng Phèn, Hà Nội, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quang Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) đến kiểm tra đồng hồ mới mua.
Anh Khánh cho biết: Anh xem trên mạng có bán đồng hồ hàng hiệu với giá 17 triệu đồng. Các đặc điểm mà người mua dễ nhận biết như mã số, màu sắc, đường nét... đều giống với thiết kế của hàng chính hãng. Kể từ khi đặt mua đến lúc nhận hàng, anh Khánh phải chờ mất hơn 2 tuần vì công ty bán hàng qua mạng cho biết loại đồng hồ này được nhận và chuyển từ nước ngoài về.
Đúng lịch, người bán hàng liên lạc cho anh Khánh nhận đồng hồ. Để cẩn thận, anh so sánh các đặc điểm của sản phẩm với sản phẩm trên trang web bán hàng và không thấy sai điểm nào. Khi giao hàng, nhân viên còn đưa cho anh tờ giấy được vận chuyển bằng máy bay từ nước ngoài về Việt Nam như để chứng minh hàng "ngoại". Tuy nhiên, khi kiểm tra tại cửa hàng đồng hồ 11 Hàng Phèn thì ông Cương cho anh biết đồng hồ này chỉ là hàng nhái.
Theo ông Trần Bảo Cương, nhiều khách hàng mua đồng hồ qua mạng với lời quảng cáo hàng hiệu nhưng nhận lại là hàng nhái. Thậm chí, có trường hợp như chị Nguyễn Thị Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt hàng qua mạng mua chiếc đồng hồ có giá 16 triệu đồng với đúng giá niêm yết. Khi nhận hàng giao tại nhà, chị thấy hình ảnh sản phẩm giống y hình ảnh quảng cáo trên mạng của hãng. Sau khi dùng được một thời gian, máy có dấu hiệu trục trặc, đi kiểm tra chị Minh mới biết là đồng hồ nhái. Loại đồng hồ này nếu bán ngoài thị trường chỉ có giá khoảng 6 triệu đồng.
|
Ông Trần Bảo Cương đang kiểm tra đồng hồ. |
Các cung bậc làm nhái
Theo ông Trần Bảo Cương, việc mua đồng hồ hàng hiệu qua mạng bị nhận hàng nhái chiếm 70 - 85%. Bởi trên mạng giá sẽ niêm yết không thực, hay còn gọi là giá ảo. Hàng bị làm giả nhiều do người mua chỉ đọc được các thông tin bề nổi, từ đó khó so sánh được với các thông tin do chính hãng đưa ra. Và không chỉ sản phẩm bị làm giả mà chính giấy tờ ghi xuất xứ cũng bị làm nhái dễ dàng.
Ông Trần Bảo Cương phân tích thêm, có nhiều cấp độ, cung bậc làm nhái đồng hồ khác nhau. Điển hình trong đó có các cách nhái như: Đồng hồ thương hiệu Thụy Sỹ, Nhật Bản... nhưng bị làm giả vỏ, máy vẫn của nước này nhưng lại là hàng sản xuất hàng loạt, có giá rất rẻ như đồng hồ Rolex (Thụy Sỹ) xịn có giá khoảng 10.000USD, còn máy rởm chỉ khoảng 100USD. Hoặc vỏ máy thương hiệu nhưng máy giả, ví dụ, vỏ máy của hãng Rolex nhưng ruột lại là máy của Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, còn có đồng hồ giả cả vỏ lẫn máy, giả hạt đính saphia và kim cương bằng thủy tinh...
Về cách phân biệt đồng hồ giả, ông Cương chỉ rõ: Đối với vỏ đồng hồ làm giả thường sử dụng vật liệu rẻ và nhẹ hơn như nhôm hoặc hợp kim. Nước màu mạ của vỏ thường nhợt nhạt, sờ thấy có điểm sần, nhanh phai màu, nhất là khi dùng nước. Người mua có thể sử dụng kính lúp nhìn rõ các vết đốm sần sùi của bề mặt vỏ.
Đồng hồ giả cũng nhẹ cân hơn đồng hồ xịn do làm bằng vật liệu nhẹ. Vì thế, người mua có thể dùng cân bình thường để biết cân nặng đồng hồ mới mua và so sánh với thông tin của hãng đưa ra. Đặc biệt, có thể sử dụng máy quang phổ phát hiện ra các loại vật liệu được sử dụng như kim cương, saphia hoặc các vật liệu đắt tiền.
Đối với ruột máy đồng hồ thương hiệu sẽ không bao giờ làm giả được bởi các yếu tố như chất liệu... Và mỗi hãng, mỗi loại máy sẽ có cấu trúc, thiết kế dáng máy riêng, không thể lẫn vào đâu. Vì thế, nếu là đồng hồ đắt tiền nên được thẩm định bởi thợ có kinh nghiệm, uy tín. Bằng mắt thường, người thợ có thể "đọc" ra được tất cả các loại máy hoặc hãng đồng hồ nào.
Chuyên gia Nguyễn Hùng Long (Cửa hàng đồng hồ Hưng Long) |
Thu Hiền
Đang đọc nhiều: