Trước đó, các nhà khoa học đã biết rằng, có một khu vực “chết” ở Vịnh Oman, nhưng họ không biết nó tồi tệ đến mức nào cho đến bây giờ.
Các nhà khoa học từ Đại học East Anglia và Đại học Sultan Qaboos của Oman đã hạ thủy robot để khám phá vùng nước “chết”, và họ đã công bố những phát hiện này trong báo cáo của mình. Tiến sĩ Bastien Queste, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tình hình thực sự tồi tệ hơn chúng ta lo ngại, khu vực của vùng nước “chết” rất rộng lớn và đang phát triển. Đại dương đang nghẹt thở.”
Vùng nước chết là nơi oxy cạn kiệt do biến đổi khí hậu hay chất thải xả ra từ đất liền. Các sinh vật biển cần khí oxy để sống, do đó, không sinh vật nào có thể tồn tại ở đây. Tiến sĩ Queste nhấn mạnh: “Đó thực sự là một vấn đề về môi trường, với những hậu quả nghiêm trọng đối với con người, những người dựa vào đại dương để có lương thực và việc làm”.
Khám phá này đã khiến các robot mạo hiểm 1.000 mét dưới nước ở vịnh Oman và dành 8 tháng để thu thập dữ liệu. Dữ liệu các robot thu thập được cho thấy, vùng nước chết tồn tại ở độ sâu giữa 200 và 800 mét, chiếm một diện tích lớn hơn Scotland và đang tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta không tìm cách giải quyết vấn đề thì hậu quả tác động lên đại dương và cuộc sống là rất lớn.
Theo Tạp chí Mặt trận