Hành vi bí ẩn của cá mập nhám làm nhà khoa học "đau đầu"

Google News

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành vi rất lạ và bí ẩn ở loài cá mập nhám Đại Tây Dương.
 

Cá mập là một loài vật khá kỳ lạ và bí ẩn. Chúng có tới hàng trăm loài khác nhau, mỗi loài lại có tập tính riêng biệt. Thế nên, để nhận biết hết được chúng là điều không hề đơn giản.
Nhưng trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học bỗng nhiên phát hiện thêm một hành vi "lạ" của cá mập mà không ai lý giải được.
Theo đó, trong quá trình xác định vị trí của cá voi Bắc Đại Tây Dương - một loài vật đang gặp nguy hiểm, họ nhận thấy loài cá mập nhám (còn gọi là cá nhám phơi nắng - Cetorhinus maximus) thường xuyên tụ lại bơi cùng nhau.
Vấn đề là chúng bơi theo nhóm khổng lồ, với số lượng lên tới hàng trăm con.
Cụ thể, từ giai đoạn 1980 - 2013, nhóm nghiên cứu đã xác nhận được có những nhóm cá mập bơi chung với số lượng lên tới gần 1.400 con.
Đây thực sự là một điều bí ẩn, vì cá mập nhám là loài cá lớn thứ 2 trên thế giới. Hơn nữa, chúng dành tới 90% thời gian sinh sống tại các vùng nước rất sâu, nên việc tìm hiểu là cực kỳ khó khăn.
Thông thường, khi cá mập nhám tiến lên mặt nước, chúng thích đi một mình, hoặc cùng lắm là theo nhóm nhỏ. Trong số 10.000 tài liệu ghi nhận về chúng, có tới 99% xác nhận rằng nhóm lớn nhất chỉ có 7 con hoặc ít hơn.
 
Nhưng theo nghiên cứu lần này, có ít nhất 10 trường hợp cá mập nhám tụ lại, di chuyển theo một nhóm khổng lồ.
Lý do tại sao thì như đã nêu, khoa học hiện tại chưa thể giải thích. Một số giả thuyết được đặt ra, như đó là mùa giao phối, hoặc là cách chúng bảo vệ cá non. Tuy nhiên, chưa lý do nào thực sự được chấp nhận.
Dù vậy, theo Leah Crowe - nhà sinh vật học từ Trung tâm khoa học Thủy sinh, thì nhóm cá lớn nhất gồm 1.400 con được phát hiện vào năm 2013 cũng tiết lộ được một vài manh mối.
Dành cho những ai chưa biết, cá mập nhám dù là loài cá lớn thứ 2, nhưng chúng chỉ ăn sinh vật phù du thôi. Crowe cho rằng với việc tụ tập và bơi với số lượng lớn, chúng sẽ giảm được đáng kể lực cản của nước, giống như cách các vận động viên xe đạp di chuyển thành đội hình vậy.
Giống như cách dàn đội hình của VĐV đua xe, cách tụ tập này có thể giúp chúng tiết kiệm năng lượng
Khi đó, năng lượng sẽ được tiết kiệm hơn. Đồng thời, chúng chỉ cần mở miệng ra là có ăn, thay vì phải hút nước thật lực.
Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giả thuyết, vẫn còn rất nhiều vấn đề khác cần được làm rõ, nhất là khi các dữ liệu từ vệ tinh không tiết lộ quá nhiều điều.
"Có thể quan sát được chúng từ trên cao, nhưng điều đó không đem lại nhiều thông tin, như số lượng phù du trong nước chẳng hạn." - Crowe cho biết. Vấn đề là ở chỗ nếu tiếp cận gần hơn, lũ cá có thể thay đổi hành vi, khiến mọi nỗ lực trở nên vô hiệu.
Hiện tại, các chuyên gia đang lên kế hoạch thực hiện dự án nhằm giải quyết bí ẩn này. Điều này đặc biệt quan trọng, vì loài cá mập nhám đang được liệt vào danh sách dễ tổn thương rồi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Fish Biology.
Theo Helino