Việt Nam phát hiện loài bọ biển “Chúa tể Bóng tối”, chuyên gia nói gì?

Google News

Loài bọ biển mới vừa được công bố ngày 14/1 được đặt tên theo nhân vật Chúa tể Bóng tối Darth Vader trong loạt phim nổi tiếng Star Wars, vì hình dạng đặc biệt.

Bathynomus vaderi Ng, Sidabalok & Nguyen, 2025, loài bọ biển mới với kích thước cơ thể lên đến 32,5cm chiều dài vừa được công bố trên tạp chí khoa học Zookeys ngày 14/01/2025.
Viet Nam phat hien loai bo bien
 Loài bọ biển mới được đặt tên theo nhân vật Chúa tể Bóng tối Darth Vader vì hình dáng đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.
Đây là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Cục Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo Quốc gia Indonesia (BRIN) và Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam (VNU).
Loài bọ biển mới này được đặt tên theo nhân vật Chúa tể Bóng tối Darth Vader trong loạt phim nổi tiếng Star Wars, vì hình dạng đầu và mắt của chúng làm gợi sự liên tưởng tới chiếc mũ đen đặc trưng của nhân vật này.
Loài bọ biển mới thuộc nhóm “siêu khổng lồ”
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Thanh Sơn, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bọ biển khổng lồ là động vật giáp xác thuộc chi (giống) Bathynomus A. Milne-Edwards, 1879, lớp Chân đều (Isopoda), họ Cirolanidae. Chúng sống ở đáy biển sâu, thường ở độ sâu hơn 500m.
Viet Nam phat hien loai bo bien
 Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn cùng mẫu vật Bathynomus vaderi tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Ảnh: Trần Anh Đức.
Bathynomus vaderi thuộc nhóm được gọi là "siêu khổng lồ", đạt chiều dài 32,5 cm và nặng hơn 1 kg. Phát hiện này bắt đầu khi đồng nghiệp của anh, PGS.TS. Trần Anh Đức tình cờ bắt gặp bọ biển được bày bán ở một làng chài tại Quy Nhơn vào năm 2022 và quyết định mua 4 cá thể để làm mẫu vật phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Sau đó, hai người đã gửi mẫu vật sang Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian (Đại học Quốc gia Singapore) cho GS Peter Ng. GS Peter Ng đã mời TS. Conni M. Sidabalok từ Indonesia tham gia nghiên cứu.
“Chúng tôi tiến hành so sánh các đặc điểm phân loại với các loài đã biết qua tài liệu, qua những mẫu vật ở một số bảo tàng khác nhau. Đến đầu năm 2023, nhóm nghiên cứu đã xác định đây là một loài mới cho khoa học và bắt đầu tiến hành mô tả, soạn thảo bài báo khoa học để công bố”, TS Sơn cho hay.
Viet Nam phat hien loai bo bien
 Mẫu vật loài Bathynomus vaderi. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Nói rõ thêm, TS Sơn cho biết, các loài trong chi Bathynomus đều có những đặc điểm giống và khác nhau. Mô tả, so sánh chi tiết các đặc điểm được trình bày trong bài báo khoa học đã công bố. Những điểm khác nhau dễ thấy nhất giữa hai loài B. vaderi B. jamesi nằm ở các bộ phận clypeal region, pereon, pleotelson. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn sơ qua thì về tổng thể, chúng rất giống nhau.
Hiện nay, bọ biển được đánh bắt làm thực phẩm, là hải sản giá cao, ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát về bọ biển được bày bán tại một số cửa hàng hải sản ở một số địa phương, các tác giả nhận thấy, hầu hết các cá thể bọ biển đang được bán là loài Bathynomus jamesi, đã được Kou, Chen & Li công bố vào năm 2017, còn các cá thể Bathynomus vaderi gặp rất ít.
Có đầu tư, Việt Nam sẽ thêm nhiều loài mới được công bố
TS Nguyễn Thanh Sơn cho hay, mẫu vật loài Bathynomus vaderi được mua từ làng chài ở thành phố Quy Nhơn và ở Đà Nẵng. Nhóm nghiên cứu không có thông tin cụ thể về địa điểm đánh bắt, người bán hàng và ngư dân chỉ nói họ đánh bắt khu vực đáy sâu ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa. Còn mẫu vật của loài B. jamesi phổ biến tại hầu hết các cửa hàng hải sản, và đã được ghi nhận ở nhiều nơi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Viet Nam phat hien loai bo bien
 Giáo sư Peter Ng đang quan sát các cá thể bọ biển khổng lồ tại một cửa hàng hải sản tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.
Thời gian qua, có rất nhiều các loài động vật, thực vật mới đã được công bố tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, nước ta có thiên nhiên rất đa dạng và sự nỗ lực nghiên cứu của rất nhiều nhà phân loại học. Đồng thời cũng cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học chưa được biết đến.
“Do vậy, chúng ta cần nhiều những nghiên cứu điều tra về đa dạng sinh học, cần có sự đầu tư vào những bộ sưu tập mẫu vật bảo tàng, cần có những chuyên gia về phân loại học có chuyên môn sâu và sự trao đổi hợp tác. Có được những điều đó, các loài mới tại Việt Nam có thể còn được công bố nhiều hơn nữa”, TS Sơn nói.
Viet Nam phat hien loai bo bien
 Tiến sĩ Conni M Sidabalok đang nghiên cứu các đặc điểm hình thái của mẫu vật loài Bathynomus vaderi tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian, Singapore. Ảnh: Rene Ong.
Theo TS Sơn, nghiên cứu về loài bọ biển mới này có ý nghĩa về sự hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học Đông Nam Á, về một loài mới ở Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa. Trong các nghiên cứu về phân loại học, sự hợp tác giữa các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp phát huy hướng chuyên môn của từng tác giả, mà còn tận dụng được nguồn mẫu vật và dữ liệu so sánh của các bảo tàng sinh học, cơ quan khoa học khác nhau, từ đó đảm bảo đạt được kết quả nghiên cứu chính xác và hiệu quả nhất.
Mẫu vật chuẩn của loài Bathynomus vaderi hiện được lưu trữ tại hai bảo tàng: Bảo tàng Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian (Đại học Quốc gia Singapore).
Mai Loan