Lập tài khoản ảo, lừa đảo rao bán “combo du lịch Tết giá rẻ”

Google News

Tết Nguyên Đán 2025 đang đến gần, nhu cầu du lịch tăng cao, đồng thời cũng là dịp các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội “bùng nổ", điển hình là lập tài khoản ảo rao bán “combo du lịch Tết giá rẻ”.

Giá rẻ khó tin, mời chào hấp dẫn 
Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, các hội nhóm như “Săn tour giá rẻ” hay “Voucher du lịch ưu đãi Tết”, người dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài đăng rao bán combo du lịch Tết giá rẻ bất ngờ. Những gói dịch vụ thường bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 4-5 sao và các dịch vụ ăn uống, đưa đón chỉ từ 2-3 triệu đồng/người – thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Lap tai khoan ao, lua dao rao ban “combo du lich Tet gia re”
Một nạn nhân chia sẻ thông tin về thủ đoạn bị lừa vé máy bay giá rẻ lên đến 32 triệu đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 
Chị Minh Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy một tài khoản rao bán combo Phú Quốc 4 ngày 3 đêm chỉ với 2,5 triệu đồng, bao gồm cả vé máy bay và khách sạn 4 sao. Giá quá rẻ nên tôi đã đặt mua cho gia đình 5 người. Sau khi chuyển khoản cọc 50%, người bán đột ngột chặn tài khoản và biến mất. Tôi mới nhận ra mình bị lừa.”
Kẻ lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ảo được lập sẵn hoặc mua lại tài khoản có nhiều lượt theo dõi để tạo độ tin cậy. Chúng đăng tải thông tin “hot” với hình ảnh lung linh, kèm lời mời chào hấp dẫn như: “Ưu đãi Tết – Tour Nha Trang chỉ từ 1,9 triệu đồng!” hay “Giảm giá 70% cho khách hàng đặt sớm combo Tết Đà Lạt!”
Lap tai khoan ao, lua dao rao ban “combo du lich Tet gia re”-Hinh-2
Một khách hàng sau khi chuyển tiền cọc đã bị đối tượng lừa đảo chặn liên lạc. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa hết sốc khi bị lừa mất số tiền lớn chỉ trong vòng 2 giờ và đã đăng bài cảnh báo trên trang Facebook cá nhân, mong không có nạn nhân nào rơi vào bẫy lừa đảo giống như chị.
Theo lời kể của chị Ngọc, cuối năm 2024, chị và chồng đã không ngần ngại "chốt đơn" một combo du lịch 3 ngày 2 đêm với giá 3.999.000 đồng/khách. Combo này được quảng cáo là khách nghỉ ở khách sạn 4 sao tại Mũi Né, Phan Thiết. Chị Ngọc mua vé cho cả 2 vợ chồng với giá là 7.998.000 đồng. Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi giá này, phía tư vấn yêu cầu chị cần chuyển khoản ít nhất 50% số tiền trên để đặt cọc. Sau khi chuyển khoản 4 triệu đồng và nhận được email xác nhận đăng ký thành công, khoảng 30 phút sau, chị Ngọc gọi điện kiểm tra lại thì đã bị chặn điện thoại và Zalo. Fanpage chị vừa đặt combo du lịch cũng không còn.
"Trên trang cá nhân Facebook của người này cho thấy có nhiều phản hồi tích cực của khách hàng khiến tôi hiểu rằng đây là Facebook thật. Nhưng khi tôi liên hệ với một công ty du lịch tương tự thì mới biết không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên" - chị Ngọc kể lại.
Tỉnh táo trước lời mời chào "bùi tai" trên mạng xã hội
Liên quan đến tình trạng này, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, combo du lịch giá rẻ là sự kết hợp của hai hay nhiều dịch vụ du lịch, phổ biến nhất là vận chuyển (vé máy bay) và lưu trú (khách sạn, resort). Giá của combo cũng thấp hơn tour vì dịch vụ hạn chế. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị người bán “bẫy” bằng những thông tin mập mờ nên khách hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), để tránh tiền mất tật mang khi mua combo giá rẻ, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Đồng thời cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói tour với mức giá quá rẻ so với giá chung của thị trường. Bên cạnh đó đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, mà nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp để nắm rõ địa chỉ đối tác bán combo.
Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, vé máy bay giá rẻ, du khách nên chọn tải khoản đăng ký có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Sau khi đặt mua nên xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Bà Hoàng Thị Lan Hương - lãnh đạo một công ty chuyên về dịch vụ du lịch tại Hà Nội - cho biết, đơn vị này cũng ghi nhận nhiều trường hợp giả danh công ty để lừa đảo người dân có nhu cầu đặt vé máy bay, phòng nghỉ khách sạn.
Lap tai khoan ao, lua dao rao ban “combo du lich Tet gia re”-Hinh-3
"Chúng tôi đã từng ghi nhận trường hợp khách hàng bị lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ, vé máy bay khứ hồi giá rẻ" - bà Hương cho biết. (Ảnh: Lương Hạnh) 
Theo bà Hương, thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo chủ yếu đánh vào nhu cầu về du lịch giá rẻ, nhiều ưu đãi của người dân. Tình trạng lừa đảo mua combo du lịch, vé máy bay giá rẻ xảy ra khiến khách hàng bị thiệt hại khi "nhẹ dạ cả tin".
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, hành vi lập tài khoản ảo rao bán "combo du lịch Tết giá rẻ" là một thủ đoạn lừa đảo điển hình, được các đối tượng thực hiện một cách có tổ chức, tinh vi nhằm lợi dụng nhu cầu du lịch tăng cao trong dịp Tết Nguyên Đán.
Về mặt pháp lý, hành vi này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào số tiền chiếm đoạt và mức độ nghiêm trọng của hành vi. Với số tiền từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu số tiền chiếm đoạt lớn hơn, hoặc có các tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, tái phạm, hoặc lợi dụng tình trạng đặc biệt như lễ Tết để thực hiện hành vi, mức phạt có thể tăng lên 7 đến 15 năm tù hoặc thậm chí 12 đến 20 năm tù. Trường hợp số tiền chiếm đoạt vượt quá 500.000.000 đồng, mức phạt tối đa là tù chung thân.
Ngoài xử lý hình sự, các đối tượng còn có thể bị buộc bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và chịu trách nhiệm dân sự nếu có yêu cầu từ phía nạn nhân. Trong trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng và không có tình tiết tăng nặng, hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Lap tai khoan ao, lua dao rao ban “combo du lich Tet gia re”-Hinh-4
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối 
Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho nạn nhân mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào các giao dịch trực tuyến, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của các doanh nghiệp du lịch chân chính. Vì vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Hãy ưu tiên làm việc với các đơn vị có uy tín, yêu cầu hợp đồng hoặc hóa đơn rõ ràng và không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân khi chưa có đủ cơ sở để xác minh. Nếu phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ các bằng chứng như nội dung tin nhắn, hóa đơn chuyển tiền, và các thông tin liên quan để cơ quan chức năng có căn cứ điều tra và xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và ngăn chặn những hành vi vi phạm. Tết là dịp để sum họp và nghỉ ngơi, đừng để những chiêu trò lừa đảo làm mất đi niềm vui ngày đầu năm.

Mời quý độc giả xem video: Cảnh giác với những trang mạng xã hội giả mạo công an để lừa đảo/Góc nhìn chuyên gia/ANTV. 


Thiên Trang