Những ngày này, cả thế giới đang gồng mình trước đại dịch COVID-19, Việt Nam không là ngoại lệ.
Kể từ đầu dịch tới sáng 10/9, Việt Nam đã ghi nhận 576.096 ca mắc COVID-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm).
Trong đó, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca, trong đó có 335.396 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Luôn nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả trong việc dập dịch, chúng ta cũng đang gặt hái được nhiều tín hiệu mừng trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin để khép lại cuộc chiến với “tử thần” COVID-19. Điều này chứng tỏ, nền y tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Đóng góp và tạo ra diện mạo của nền y học nước nhà ngày hôm nay, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể y bác sỹ, những con người thầm lặng trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Báo Tri thức & Cuộc sống xin giới thiệu tuyến bài “Top bác sĩ quân y huyền thoại Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh vượt thời đại”. Trung tướng, GS.TS.TTND. Nguyễn Tiến Bình, nguyên Giám đốc Học viện Quân y là một số những người hùng thầm lặng như thế. Ông là “thuyền trưởng” của những ca ghép tim huyền thoại ở Việt Nam.
Hồi sức cho trái tim
Tháng 4/2009, Học viện Quân y được giao thực hiện đề tài "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não". Đề tài được giao cho Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình, giám đốc Học viện Quân y làm chủ nhiệm.
|
Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình, giám đốc Học viện Quân y |
Đây là một đề tài hóc búa bởi trước đó, không ít người ngần ngại về tính khả thi, về những khó khăn khi thực hiện. Ai là người bệnh đầu tiên dám tin tưởng nằm lên bàn mổ để các thầy thuốc cắt bỏ quả tim của mình và thay vào đấy một trái tim khác?Ai là người đầu tiên đồng ý hiến tặng trái tim của mình?...
Trước vô vàn khó khăn nhưng Trung tướng Nguyễn Tiến Bình vẫn quyết định bắt tay làm. Ông cho biết truyền thống của ngành y về ghép tạng đã có từ lâu rồi. Các thầy thuốc lớp trước đã ghép thận thành công ở Việt Nam vào năm 1992, ghép gan vào năm 2004. Đấy là động lực để ông tin vào nhiệm vụ này của mình.
Vượt lên những khó khăn, đúng 9h sáng ngày 17/6/2010, ca ghép tim được thực hiện. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi ( quê Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. Trái tim ghép cho anh Nam nhận từ một bệnh nhân chết não 29 tuổi.
Cuộc phẫu thuật diễn ra ở 2 phòng phẫu thuật bố trí cạnh nhau. Hai kíp bác sĩ phẫu thuật cùng tiến hành song song việc cho và nhận để quá trình ghép tim diễn ra nhịp nhàng, "ăn ý" mà không xảy ra bất kể sai sót nào.
Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp sau đúng 1giờ 55 phút, cảm giác mừng vui vỡ oà khi đội ngũ thầy thuốc nhìn trên màn hình sóng điện tim của bệnh nhân hoạt động trở lại.
Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình cho biết, thành công này đã đúc kết được nhiều bài học quý giá. Vẫn biết, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở ta còn khiêm tốn nhưng một khi chúng ta có quyết tâm, có kế hoạch khoa học, có công tác tổ chức tốt, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám dàm, dám chịu trách nhiệm thì có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Đặc biệt, thành công này đã mở ra sự sống và cơ hội cho nhiều bệnh nhân bởi, khi đã làm được ca thứ nhất sẽ làm được ca thứ hai, một nơi làm được thì sẽ nhân rộng ra nhiều nơi làm được. Điều này đã được chứng thực. Chỉ hơn một năm sau ca ghép tim đầu tiên, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TW Huế… đều thực hiện thành công.
Trung tướng, GS. TS. Nguyễn Tiến Bình thổ lộ: “Thành công của ca ghép tim một lần nữa khẳng định rằng đội ngũ thầy thuốc Việt Nam có thể làm được tất cả những gì mà các thầy thuốc trên thế giới làm. Hãy tin vào trí tuệ và nội lực của chính mình”.
Luôn thấy mình mắc nợ
Không phải đến khi ca ghép tim thành công, Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình mới được biết đến. Trong giới y học, ông nổi tiếng là một nhà khoa học, một bác sỹ với hàng trăm những công trình nghiên cứu khoa học, hàng chục đầu sách với mong ước góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y.
|
Không chỉ là thầy giáo, thầy thuốc, nhà quản lý, ít ai biết rằng Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình còn là một nghệ sĩ đa tài. |
Đặc biệt ông được đồng nghiệp, bạn bè kính nể không chỉ bởi tài năng mà còn bởi tấm lòng nhân ái luôn dành cho bệnh nhân.
Ông từng tâm sự: Phải ở trong nghề, phải hàng ngày tiếp xúc với người bệnh mới thấy được nỗi đau nhân thế. Cái danh sách bệnh nhân suy tim trong tay tôi cứ vơi dần đi sau một vài tuần các bác sỹ của khoa tim mạch gọi bệnh nhân đến để kiểm tra. Họ sống trong tuyệt vọng, biết là sẽ chết bất cứ lúc nào nhưng không biết làm thế nào. Những con người ấy từng giờ, từng phút hối thúc lương tâm đội ngũ thầy thuốc chúng tôi.
Chính vì tấm lòng đó, nên Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình luôn hết mình vì bệnh nhân. Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn nhắc đến từ “nợ”, ông bảo là bác sỹ, ông luôn cảm thấy “nợ” bệnh nhân. Vì thế, công việc của một người thầy giáo, thầy thuốc, nhà quản lý khiến ông luôn bận rộn, nhưng ông luôn quan tâm và đến từng bệnh nhân và vì sức khỏe của họ để cố gắng chiến đấu với tử thần và đưa họ về cuộc sống thường nhật.
Mời độc giả xem video: Học sinh Bắc Ninh trở lại trường học từ ngày 19/7. Nguồn:THDT.
Sơn Hà