Top Bác sĩ quân y huyền thoại Việt Nam: “Phù thủy” ghép tạng Lê Thế Trung

Google News

Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung là người chỉ huy điều hành hoặc trực tiếp tham dự vào cả ba kỹ thuật ghép tạng tiên tiến ở Việt Nam: thận, gan và tim. Ngoài ra, ông còn là “phù thủy” trong chữa bỏng.

Những ngày này, cả thế giới đang gồng mình trước đại dịch COVID-19, Việt Nam không là ngoại lệ.
Kể từ đầu dịch tới sáng 9/9,  Việt Nam đã ghi nhận 563.676 ca mắc COVID-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).
Trong đó, tính từ đợt dịch thứ 4 (tức từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Luôn nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả trong việc dập dịch, chúng ta cũng đang gặt hái được nhiều tín hiệu mừng trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin để khép lại cuộc chiến với “tử thần” COVID-19. Điều này chứng tỏ, nền y tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Đóng góp và tạo ra diện mạo của nền y học nước nhà ngày hôm nay, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể y bác sỹ, những con người thầm lặng trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Báo Tri thức & Cuộc sống xin giới thiệu tuyến bài “Top bác sĩ quân y huyền thoại Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh vượt thời đại”. Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung là một số những người hùng thầm lặng như thế. Ông là có công trong việc đặt nền móng trong chữa bỏng và ghép tạng ở Việt Nam.
Phù thủy chữa bỏng
Nói đến Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc: Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia và Học viện Quân y là nói về tinh thần vượt khó, bền bỉ, kiên trì vươn lên để trưởng thành trong sự nghiệp cứu người và cống hiến cho đất nước.
Top Bac si quan y huyen thoai Viet Nam: “Phu thuy” ghep tang Le The Trung
 GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung.
Đầu năm 1946, đang là thợ xếp chữ nhà in, căm thù khi giặc Pháp lần nữa quay lại xâm lược nước ta, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung xin gia nhập vệ quốc đoàn và theo học Khoá I Trường Y tá, nghề y gắn với ông từ đó.
Ở mặt trận Ðiện Biên Phủ thiếu thốn đủ bề, ông cùng đồng đội sử dụng các thanh tre, gáo dừa, mảnh bầu khô để làm dụng cụ cầm máu. Nước đun sôi, tự pha chế làm dịch truyền. Ánh sáng phục vụ các ca phẫu thuật thương binh là những chiếc đèn pin, đèn dầu...
Trực tiếp chứng kiến những hy sinh to lớn của bộ đội, thương binh, bệnh binh, thầy thuốc quân y Lê Thế Trung luôn trăn trở làm thế nào để góp sức mình giúp bộ đội có sức khỏe tốt nhất, thương binh, bệnh binh được điều trị nhanh khỏi nhất, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong…
Những năm 1965-1966, ông trực tiếp vào chiến trường Liên khu 5 kiểm tra công tác quân y và tham gia cứu chữa thương binh; năm 1968 ông làm Trưởng đoàn chuyên viên vào chiến trường Khe Sanh để nghiên cứu về ngoại khoa trong chiến tranh và đã hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”.
Vừa cứu chữa thương binh, bệnh binh, ông vừa tập trung nghiên cứu và có nhiều thành công về ngoại khoa dã chiến, xử trí vết thương chiến tranh.
Năm 1972, khi được cử đi làm luận án phó tiến sĩ y học tại Liên Xô, BS. Lê Thế Trung đã chọn nghiên cứu đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng”.
Trở về Tổ quốc, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, với những hoài bão khoa học cháy bỏng, ông cùng các đồng nghiệp xây dựng Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và bệnh viện thực hành Bệnh viện 103, đặc biệt là chuyên ngành bỏng mà ông đã gắn bó suốt cả cuộc đời.
Trong những ngày tháng đó, ông và các cộng sự đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về bỏng như tìm ra nhiều cây thuốc để chữa bỏng điển hình nhất là thuốc bỏng Maduxin chiết xuất từ cây sến mật, hay thuốc bỏng B76 được điều chế từ vỏ cây sơn trà. Ngoài cây thuốc, ông và các đồng nghiệp đã thành công trong việc dùng da ếch tiệt trùng để phủ vết thương bỏng...
Cũng trong những ngày tháng đó, Khoa Bỏng của Viện Quân y 103 do GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung là thuyền trưởng đã trở thành tuyến cuối chuyên ngành bỏng của toàn quân, toàn quốc. Ông còn cùng các cộng sự viết dự án xin phép Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế nâng cấp Khoa Bỏng thành Viện Bỏng quốc gia và ông là giám đốc đầu tiên của viện, đồng thời là Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam.
Chuyên gia hàng đầu về ghép tạng
Không chỉ là phù thủy chữa bỏng, Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở Việt Nam. Trên cương vị Giám đốc Học viên Quân y, ông đã sớm nghiên cứu, khởi xướng việc ghép thận. Năm 1992, Học viên Quân y tổ chức thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam.
Top Bac si quan y huyen thoai Viet Nam: “Phu thuy” ghep tang Le The Trung-Hinh-2
GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung vui mừng cùng các y bác sỹ khi thành công ca ghép tạng đầu tiên. 
Trong cuộc “đại phẫu thuật ấy” năm ấy, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung đóng vai trò như một tổng chỉ huy “chiến dịch”. Kỹ thuật ghép thận quá mới ở Việt Nam, nhưng Học viện Quân y lại tiên phong thực hiện.
Ðến bây giờ, kỹ thuật ghép thận được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế toàn quốc và hàng nghìn ca ghép thận đã thành công. Ðồng nghiệp và người bệnh đều ghi nhớ ông như là một nhà khoa học tiên phong trong kỹ thuật ghép thận của Việt Nam.
Có thể nói, Viện Quân y 103, Học viện Quân y là “cái nôi” ghép tạng của Việt Nam vì ba kỹ thuật ghép: thận, gan và tim đều được thực hiện ở Viện Quân y 103. GS.TSKH. Lê Thế Trung là người chỉ huy điều hành hoặc trực tiếp tham dự vào cả ba kỹ thuật tiên tiến này.
Tháng1/2004, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung là đồng Trưởng ban Chỉ đạo ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công.
Ca ghép gan được thực hiện cho cháu Nguyễn Thị Diệp (bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, lá lách quá to, tính mạng bị đe dọa). Sau 16 tiếng đồng hồ căng thẳng, hồi hộp, ca ghép gan đã thành công. Bé Diệp của 14 năm trước, hiện đã tốt nghiệp trung cấp dược và được nhận về làm việc ở chính nơi ngày trước cứu sống mình. Diệp nhận Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung làm ông.
Tháng 10/2005, sau nhiều năm say mê nghiên cứu ghép tạng trên thực nghiệm và trên lâm sàng cùng các đồng nghiệp và học trò trên cả nước, Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung đã vinh dự là đồng tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho Cụm công trình Ghép tạng, công trình nghiên cứu khoa học mang tính cách mạng của nền y học hiện đại Việt Nam.
Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thế Trung mất ngày 10/6/2018.

Mời độc giả xem video: Quỹ đạo và cường độ bão Conson rất phức tạp, khó lường. Nguồn: VTV24.


Sơn Hà