Tống Chinh Vũ: "Phù thủy" đứng sau tên lửa đẩy Trường Chinh 8A Trung Quốc

Google News

Ông Tống Chinh Vũ, kỹ sư trưởng của dự án Trường Chinh 8 cho hay, tên lửa 8A có thể đáp ứng nhu cầu phóng cho các nhiệm vụ quỹ đạo chính trong tương lai.

Trường Chinh 8A - tên lửa đẩy thế hệ mới của Trung Quốc
Ngày 11/2/2025, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh 8A từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương, đảo Hải Nam, vào lúc 17h30 giờ địa phương (16h30 giờ Hà Nội). Sự kiện này đánh dấu chuyến bay đầu tiên của Trường Chinh 8A, đưa một nhóm vệ tinh quỹ đạo thấp vào không gian thành công.
Tong Chinh Vu:
 Ông Tống Chinh Vũ - kỹ sư trưởng của dự án tên lửa Trường Chinh 8. Ảnh: Baidu.
Trường Chinh 8A là phiên bản nâng cấp của tên lửa Trường Chinh 8, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu phóng các chòm sao vệ tinh quy mô lớn trên quỹ đạo Trái Đất trung bình và thấp. Tên lửa có chiều cao 50,5 mét, trọng lượng cất cánh 371 tấn và lực đẩy cất cánh khoảng 480 tấn, với khả năng đưa tải trọng lên tới 7 tấn vào quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO) ở độ cao 700 km.
Theo Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALT), Trường Chinh 8A sẽ là tên lửa đẩy mới thế hệ tiếp theo của Trung Quốc. Hiện, Trường Chinh 8A là thành viên thứ 18 đang hoạt động của dòng tên lửa này (Trường Chinh 8) và là sản phẩm chính trong các chương trình không gian của Trung Quốc.
Hiệu suất động cơ của tên lửa mới so với các tên lửa trong dự án Trường Chinh 8, được cải thiện hơn với khả năng tải trọng lớn và lực đẩy tương đối mạnh. Việc tích hợp các chức năng của cấu trúc hỗ trợ vệ tinh, khung bộ điều hợp và mô-đun thiết bị trong một mô-đun đa chức năng, giúp giảm trọng lượng khoảng 200 kg.
Trong tương lai, Trường Chinh 8A dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các mạng lưới vệ tinh Internet không gian quy mô lớn của Trung Quốc. Tất cả các vụ phóng của tên lửa này sẽ được thực hiện tại Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương và Trung tâm Phóng Hàng không Vũ trụ Thương mại Quốc tế Hải Nam.
Việc phóng thành công Trường Chinh 8A không chỉ nâng cao năng lực phóng vệ tinh của Trung Quốc mà còn củng cố vị thế của nước này trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ toàn cầu.
Năm 2025, dự án Trường Chinh 8 dự kiến thực hiện 10 nhiệm vụ phóng, trong đó, Trường Chinh 8A sẽ đảm nhận 5-6 nhiệm vụ.
Nhà khoa học làm nên thành công 
Đóng vai trò then chốt trong sự phát triển và thành công của các dự án tên lửa Trường Chinh Trường Chinh 8 là ông Tống Chinh Vũ - kỹ sư trưởng của dự án. Là nhà thiết kế trưởng tại Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALT), ông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực phóng vệ tinh và khám phá không gian của Trung Quốc.
Tong Chinh Vu:
 Tên lửa Trường Chinh 8 mang theo 22 vệ tinh phóng từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 27 tháng 2 năm 2022. (Ảnh của Tu Haichao / Tân Hoa xã).
Nhà khoa học Tống Chinh Vũ sinh năm 1970 ở Giang Tô (Trung Quốc). Năm 1988, ông được tuyển thẳng vào lớp tổng hợp của Viện Trúc Khả Trinh thuộc Đại học Chiết Giang (Trung Quốc). Đến năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học, ông học thạc sĩ ngành Điều khiển Tự động Hàng không Vũ trụ thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Tên lửa đẩy Trung Quốc.
Năm 2004, Tống Chinh Vũ được bổ nhiệm chức vụ phó kỹ sư trưởng dự án tên lửa Trường Chinh 2F. Giai đoạn 2014-2018, ông học tiến sĩ tại Đại học Chiết Giang. Năm 2016, ông được bầu làm Viện sĩ của Viện Du hành Vũ trụ quốc tế.
Từ năm 2017 đến nay, ông đảm nhận chức vụ kỹ sư trưởng dự án tên lửa Trường Chinh 8 tại Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALT). Là một trong những nhà khoa học cấp cao về tên lửa ở Trung Quốc, ông Tống Chinh Vũ từng 3 lần nhận được Giải thưởng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Tên lửa Trường Chinh 8 đại diện cho bước tiến quan trọng trong công nghệ phóng vũ trụ của Trung Quốc, kết hợp giữa hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và khả năng tái sử dụng trong tương lai. Những cải tiến và thành tựu đạt được từ chương trình Trường Chinh 8 không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở ra cơ hội hợp tác và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.
Ngoài Trường Chinh 8, ông Tống Chinh Vũ còn được biết đến là người thiết kế tên lửa Trường Chinh 2F. Tên lửa Trường Chinh 2F, được biết đến như "Thần Châu", là phương tiện phóng có người lái đầu tiên của Trung Quốc. Tháng 9/2008, tàu Thần Châu 7 được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Cam Túc (Trung Quốc). Dưới sự chỉ đạo của Tống Chinh Vũ, dự án này đã đạt được những bước tiến quan trọng, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các sứ mệnh có người lái.

Mời quý độc giả xem video: Sức công phá khủng khiếp của tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Video do báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện. 


Mai Loan