PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trả lại vẻ đẹp cho lễ hội

Google News

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng một hệ thống các giải pháp để trả lại vẻ đẹp cho lễ hội, là rất quan trọng.

Những biến tướng, bất cập, phản cảm của lễ hội
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, hằng năm, sau Tết Nguyên đán là bắt đầu mùa lễ hội – một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam Những ngày này, người dân trên khắp đất nước bắt đầu nô nức trảy hội xuân, nhiều địa phương cũng đã bắt đầu tưng bừng khai hội đón du khách trải nghiệm.
PGS.TS Bui Hoai Son: Tra lai ve dep cho le hoi
Lễ hội đầu xuân mang nét đẹp văn hóa. Ảnh: Mai Loan. 
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước ta có gần 9.000 lễ hội truyền thống. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới. Sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội đã mở màn như: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Bà Chúa Kho, Lễ hội đền Gióng, Lễ hội Xuân Ná Nhèm, Lễ hội Tịch điền, Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc…
Tuy nhiên, đi cùng với nét đẹp văn hóa, nhiều lễ hội cũng phơi bày những bất cập, phản cảm, bạo lực, không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa Việt. Một số lễ hội xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng lễ dưới nhiều hình thức, mang tính thương mại, phản cảm như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, thực hiện nhiều nghi thức không có trong lễ hội truyền thống, hay cá độ, đặt cược, nghi thức rước sinh thực khí nam... đã gây nhiều tranh cãi và cơ quan quản lý phải có những chấn chỉnh.
Chẳng hạn, những lễ hội có màn “chém lợn, đâm trâu” đã gây nhiều tranh cãi về việc có hay không cho tiếp tục. Hoặc màn tranh cướp lộc cũng có những quan điểm khác nhau, có nên cấm và cấm đến đâu, bởi nếu cấm triệt để có thể dẫn tới “mất vui”. Như lễ hội Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), việc xô đẩy đòi cướp phết ngay tại sân tế lễ của đền đã nhiều năm khiến lực lượng chức năng phải vất vả đứng ra can thiệp.
Tại hội Lim, việc quan họ “ngửa nón nhận tiền” cũng gây nhiều tranh luận. Hoạt động này đã bị “nghiêm cấm” tại mùa Lễ hội năm 2023, nhưng đến năm 2024, chính quyền huyện Tiên Du (Bắc Ninh) lại phải điều chỉnh, cho phép các liền anh, liền chị được nhận tiền “thưởng” của du khách, nhưng lưu ý “phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống”.
Với Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), Ban Tổ chức lễ hội đã cho lắp camera an ninh tại khu vực làm lễ và nhiều vị trí trong các đền để có biện pháp xử lý những người có hành vi phản cảm, như ném tiền vào kiệu ấn, "cướp" lộc trong đêm khai ấn.
Làm thế nào để lễ hội truyền thống thực sự trở thành không gian thuận lợi để thực hành các sinh hoạt và giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ bản sắc văn hóa là vấn đề đáng bàn.
Để lễ hội truyền thống giữ được bản sắc
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, lễ hội không chỉ là di sản văn hóa quý báu, thể hiện những nét đẹp về tinh thần và cuộc sống của người dân, mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
PGS.TS Bui Hoai Son: Tra lai ve dep cho le hoi-Hinh-2
 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.
Việc tổ chức các lễ hội truyền thống không chỉ giúp giữ gìn các phong tục, tập quán, nghi lễ, truyền thống văn hóa địa phương, mà còn giúp người tham gia hiểu và trân trọng những giá trị này.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, trong lễ hội cũng nảy sinh những hiện tượng mê tín dị đoan, xu hướng cầu tài cầu lộc… Nhiều người tin vào quyền lực của thế giới siêu nhiên, mong “phù hộ” để có sự thành công, thăng chức, lên quyền… mà không hoàn toàn dựa vào năng lực. Hệ quả của những việc này có thể nhìn thấy rõ ở các lễ hội như lễ hội khai ấn Đền Trần, hoặc việc người dân ùn ùn đến với các đền Bảo Hà, đền Chợ Củi,... những đền phủ được đồn là linh thiêng, đem lại may mắn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng ứng xử văn minh, không gian tâm linh phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo điều kiện cho con người thực hành và phát triển nhân cách, đạo đức từ những giá trị của lễ hội. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đa chiều.
Trong những năm vừa qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương. Trong đó, Nghị định 110/NĐ-CP năm 2018 về việc quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đã là một bước tiến lớn, giúp hoạt động này trở nên rõ ràng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Năm 2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đã giúp hiện thực hóa hơn nữa hoạt động quản lý này, để lễ hội truyền thống thực sự trở thành không gian thuận lợi để thực hành các sinh hoạt và giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ bản sắc văn hóa.
“Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, một phần đến từ bản chất lễ hội là một cuộc vui đông người nên dù quản lý đến đâu cũng khó có thể tránh được những sai sót, phần khác đến từ xu hướng thương mại hóa trong việc tổ chức lễ hội, hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với các hoạt động tâm linh… khiến chúng ta không thể lơ là với hoạt động quản lý lễ hội”, chuyên gia văn hóa Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc xây dựng một hệ thống các giải pháp để lễ hội không bị thương mại hóa thái quá, trả lại vẻ đẹp cho lễ hội, là rất quan trọng. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, nhất là việc xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại, và kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, cần tăng cường ý thức cộng đồng. “Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội là rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ngày 6/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ra công văn chấn chỉnh về Lễ hội xuân. Bộ VHTTDL lưu ý không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước, rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng.
Các địa phương dịp này cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch. Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội, vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị địa phương thanh, kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
Mai Loan