Các nhà khoa học ở ĐH Harvard sắp trình làng một công trình nghiên cứu chấn động trong vài tuần tới. Họ đang nghiên cứu mẩu ADN của loài voi ma mút cổ đại được bảo tồn trong một tảng băng Siberian trong 42.000 năm hòng mong hồi sinh được loài sinh vật cổ đại này.
|
Voi ma mút có thể sẽ lại tiếp tục thong dong trên những vùng Bắc cực lạnh giá. Ảnh: Getty Image |
Nếu thực sự kế hoạch này thành công, thế giới sẽ có một công viên kỷ băng hà rộng 20.000 ha, nơi mà những con
voi ma mút cổ đại sẽ đi lại thong dong ở một vùng xa xôi hẻo lánh của Siberia.
Không chỉ hồi sinh được loài thú cổ đại, công trình này có thể tái tạo khí hậu Bắc Cực cũng như kích thích sự phát triển của thềm thực vật nơi đây.
Theo kế hoạch đề ra, nếu tái sinh được phôi từ mẩu ADN, họ sẽ cấy nó vào một tử cung nhân tạo, thay vì mượn một con voi mẹ mang thai hộ. Con vật có thể là một cá thể lai tạo giữa voi châu Á và voi ma mút.
Trên thực tế, phôi này tồn tại dưới dạng phôi lai, bằng cách lập trình các đặc điểm của voi ma mút vào voi châu Á. Sinh vật này, với một số người gọi là “mammophant”, dự kiến sẽ có bề ngoài như voi châu Á nhưng bên cạnh đó sẽ xuất hiện các đặc điểm như tai nhỏ, mỡ dưới da dày, lông dài xù xì và máu huyết thích hợp với cái lạnh. Nhóm gien thể hiện những đặc điểm này sẽ được chèn vào ADN voi nhờ vào công cụ điều chỉnh gien đầy hiệu lực là Crispr-Cas9.
Hệ thống này cho phép thao tác "cắt và dán" các sợi ADN với độ chính xác cao chưa từng thấy trước đây. Nói nôm na, các nhà khoa học sẽ dùng ADN đông lạnh của ma mút, dán vào ADN của loài voi châu Á hiện đại để tạo nên một loài voi mới lai tạo giữa hai loài.
"Chúng tôi đã hồi sinh hàng tá gien ma mút và đang thử nghiệm nó trên tế bào voi hiện đại. Tiếp đó, chúng tôi đang tập trung vào việc hồi sinh gien voi ma mút và tạo ra những con lai rồi giúp chúng sinh sản khắp vùng khí hậu bắc cực hoang dã” - GS George Church, trưởng nhóm dự án xóa nạn tuyệt chủng ở voi ma mút, cũng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói với tờ Sun Online.
“Những con voi chịu được lạnh sẽ làm những đống tuyết trở nên bằng phẳng, hỗ trợ cây mọc trong mùa đông và giúp cho các loại cỏ phản xạ nhiệt trong mùa hè. Chúng cũng có thể giúp hấp thụ carbon bằng cách cách tăng cường khả năng quang hợp của thực vật” - GS Church nói.
Trong suốt nhiều năm, thảm thực vật ở Siberian dường như bị bào phẳng khi không có động vật sinh sống cũng như bị tàn phá bởi những chiếc xe tăng. Vậy nên, để hồi sinh thảm thực vật nơi đây, cần một số lượng động vật to lớn đến đây sinh sống, trong đó có thể có loài voi ma mút khổng lồ.
Hiện tỉ phú Peter Thiel, nhà sáng lập Paypal, đang đặt tham vọng với dự án này. Vào tháng 6 năm ngoái, Peter Thiel đã đầu tư 100.000 USD cho cơ quan nghiên cứu di truyền của ĐH Harvard, đứng đầu là GS George Church, nơi đang thực hiện dự án nhằm hồi sinh voi ma mút.
Loài voi ma mút lông xoăn đã đặt dấu chân rong ruổi khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ trong kỷ Băng hà gần đây nhất và biến mất vào khoảng 4.000 năm trước, có thể là do tình trạng thay đổi khí hậu ảnh hưởng môi trường sống của chúng và cuối cùng bị con người đuổi tận giết tuyệt. Họ hàng gần nhất của chúng là voi châu Á.
Theo Tú Quyên/PLO