GS.TS Chử Đức Trình: Nghị quyết 57 là động lực phát triển sản phẩm KHCN cao

Google News

GS.TS Chử Đức Trình nhận định, Nghị quyết 57 sẽ là động lực để huy động và khai thác triệt để các bên liên quan tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
GS.TS Chu Duc Trinh: Nghi quyet 57 la dong luc phat trien san pham KHCN cao
 GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Ở vai trò một cán bộ quản lý cơ sở đào tạo về công nghệ - kỹ thuật, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ông đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Chính phủ khi ban hành Nghị quyết 57, đưa Khoa học công nghệ trở thành một trong những điểm đột phá trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam; Lấy khoa học công nghệ trở thành trụ cột và động lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
“Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện, văn hóa, và thế mạnh thông minh, học giỏi và chăm chỉ của con người Việt Nam”, GS.TS Chử Đức Trình khẳng định.
Điểm mấu chốt để công nghiệp nước ta bứt phá 
GS.TS Chử Đức Trình nhận định, thời gian tới, chúng ta sẽ không có nhiều dư địa để phát triển đất nước nếu như không dựa vào khoa học công nghệ. Đây là bài học rất nhiều các quốc gia trên thế giới trải qua. Đã có rất nhiều bài báo, nghiên cứu chỉ ra, năng suất lao động của người Việt Nam thấp so với Singapore, Malaysia đến 10 lần. Năng suất này không phải là năng lực của từng cá nhân mà là năng suất tổng hợp của cả hệ thống. Bởi nếu nhìn vào năng suất lao động của một doanh nghiệp, chúng ta cần nhìn vào tổng thể các yếu tố từ tổ chức của doanh nghiệp, mặt hàng, định vị thị trường, thị phần đầu tư, sau đó mới kể đến năng suất lao động.
Ông Trình đưa ra ví dụ, cùng sản xuất một mặt hàng linh kiện điện tử, có doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao nhưng có doanh nghiệp không. Bởi những doanh nghiệp lợi nhuận cao đã đưa kiến thức, kỹ năng và trong quá trình thiết kế, chế tạo, tham gia vào trong những công đoạn mà có giá trị gia tăng cao hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta lại đang còn dựa vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp nên thu nhập thấp hơn.
“Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập về việc thời gian tới Việt Nam phải tham gia vào công đoạn giá trị cao hơn trong chuỗi công nghiệp. Đây có lẽ sẽ là điểm mấu chốt để công nghiệp nước ta bứt phá. Hơn một năm trước, trong chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan tới Việt Nam, thông điệp của Ngài Thủ tướng là nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, chứ không phải phấn đấu làm chủ cả chuỗi công nghiệp. Hiện nay, trên thế giới, không nhiều doanh nghiệp xây dựng mô hình làm chủ hoặc tham gia tất cả các công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị công nghiệp”, GS Trình phân tích.
Nhân lực chất lượng cao sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam
GS.TS Chử Đức Trình cho hay, Nghị quyết 57 cho thấy, chúng ta cần huy động cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia xây dựng, ban hành và thực hiện các thể chế, chính sách, quy định để nâng cao vai trò giá trị của khoa học công nghệ, của nghiên cứu và phát triển (R&D) vào hệ thống công nghiệp. Chính sách này là chỗ dựa vững chắc về thể chế để các doanh nghiệp tự tin đầu tư lâu dài vào phát triển các sản phẩm công nghệ với tầm nhìn thị trường toàn cầu. Nghị quyết 57 sẽ là động lực để huy động và khai thác triệt để các bên liên quan tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
GS.TS Chu Duc Trinh: Nghi quyet 57 la dong luc phat trien san pham KHCN cao-Hinh-2
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các sản phẩm chế biến, chế tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: NVCC.
Chỉ khi nào các trường đại học, các viện nghiên cứu nhìn thấy vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học của họ trong phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp, và cũng chỉ khi nào doanh nghiệp thấy tiềm năng lợi nhuận cao trong hợp tác R&D với các cơ sở nghiên cứu khoa học, thì lúc đó công nghiệp Việt Nam mới có khả năng có chỗ đứng quan trọng trên không gian toàn cầu.
Và đó chính là sứ mạng mà Nghị quyết 57 đã đặt ra cho tất cả các bên liên quan bao gồm: Nhà quản lý, doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu.
Trong đó, các doanh nghiệp cần đầu tư rất mạnh để nâng cao giá trị công nghệ trong từng sản phẩm, đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển R&D, sáng tạo các giá trị mới của sản phẩm, nâng tầm giá trị của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì thế, Việt Nam không chỉ xây dựng nền tảng thể chế, hạ tầng và nhân lực để đón các doanh nghiệp FDI đầu tư mà phải chuẩn bị thể chế để đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách mạnh mẽ về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, thông tin, hỗ trợ pháp lý, thuế, thuế thu nhập cá nhân. Bức tranh công nghiệp Việt Nam hiện nay cho thấy vị thế còn khá hạn chế của các doanh nghiệp nội.
Nhưng ở góc nhìn tích cực và kỳ vọng, chúng ta lại thấy tiềm năng to lớn trong không gian phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khá mới mẻ này. Trước năm 2010, các doanh nghiệp FDI chủ yếu khai thác tiềm năng lao động chăm chỉ, giá rẻ trong các công đoạn gia công chế tạo.
Nhưng những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã thấy rõ tiềm năng lợi nhuận cao trong đầu tư vào công đoạn nghiên cứu và phát triển R&D, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Samsung Việt Nam là một ví dụ thành công trong đầu tư Trung tâm nghiên cứu phát triển SRV tại Hà Nội. LG cũng phát triển cơ sở mới của bộ phận R&D.
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đầu tư vào các công đoạn nghiên cứu, thiết kế tại Việt Nam như Marvel Technology, Qorvo trong thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, có thể còn liệt kê nhiều doanh nghiệp FDI khác nhau đang tìm thấy lợi nhuận tốt trong đầu tư R&D tại Việt Nam như Bosch Global Software Technologies, Panasonic, Toshiba, Nissan Automotive Technology, Infineon Technologies…
“Nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng làm việc trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu là yêu cầu cao đặt ra cho hệ thống giáo dục đại học nước ta. Nhân lực chất lượng cao sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam trong bức tranh doanh nghiệp toàn cầu”, ông Trình nhận định.
Từ những phân tích trên, theo GS.TS Chử Đức Trình, thời gian tới các cơ sở giáo dục đại học cần triển khai 3 việc trọng tâm
Thứ nhất, các trường đại học phải nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo, chất lượng chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp.
Thứ hai, các trường đại học phải đào tạo cho sinh viên kiến thức, kỹ năng về R&D để sẵn sàng hội nhập vào môi trường doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.
Thứ ba, các trường phải tự xây dựng văn hóa làm việc để phát triển thành các đại học nghiên cứu. “Yêu cầu về đại học nghiên cứu không phải là yêu cầu mới, nhưng sẽ là rất thách thức và khó khăn để bất cứ một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nào phát triển thành công thành trường đại học nghiên cứu”, ông Trình nói.

GS.TS Chử Đức Trình cho hay, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tự chủ được 3 năm. Chúng tôi nhận thức rõ, Nhà trường chỉ có thể phát triển khi gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Nhà trường có một số chính sách trong đồng hành với các nhóm nghiên cứu, các thầy cô và các nhóm sinh viên. Trong đó, Nhà trường đầu tư trực tiếp các nhóm nghiên cứu thông qua hỗ trợ trực tiếp dựa trên kết quả khoa học là bài báo khoa học, sáng chế. Chính sách này, phần nào đã tạo ra động lực rất tốt trong các nhóm nghiên cứu. Do đó, thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà trường vài năm qua đạt tốc độ phát triển cao. Năm 2024, Trường có gần 400 bài báo trong nước và quốc tế. Bình quân mỗi thầy cô có khoảng 2,4 bài báo khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus/năm. Nhiều cán bộ giảng viên của Nhà trường là nhà khoa học hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Mai Loan