|
Công nhân đang cho nguyên liệu vào máy ủ thức ăn AFF-200, tại Trung tâm Hỗ trợ và dạy nghệ nông dân Thái Nguyên
|
Chia sẻ với Tri thức và Cuộc sống, ông Vũ Đình Thịnh, giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Nhân Hòa (Hà Nội), chủ trì nghiên cứu sáng tạo thiết bị ủ thức ăn chăn nuôi cho hay, qua quá trình khảo sát thực tế nhận thấy, một trong những khó khăn của việc ứng dụng chăn nuôi hữu cơ hiện nay là ủ thức ăn, do việc này phải thực hiện bằng phương pháp thủ công, ít được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ tiên tiến.
Hiện tại, với các máy đang có trên thị trường, để ủ thức ăn, người dân thường phải thực hiện lần lượt từng công đoạn bằng thủ công (xay, nghiền, đảo trộn,...) và chỉ ủ được từng mẻ với khối lượng nhỏ. Cụ thể, mỗi một công đoạn, phải dùng một thiết bị đơn giản để thực hiện như xay ngô bằng máy xay, trộn nguyên liệu và chế phẩm vi sinh bằng máy đảo… nguyên liệu trộn xong phải đổ vào từng thùng nhỏ hoặc bể xi măng để ủ. Trong quá trình ủ, định kỳ, cần đảo lại nguyên liệu…
Mặt khác, phương thức chăn nuôi hữu cơ mới chỉ được áp dụng ở một số trang trại nhỏ, sẽ đặc biệt khó khăn khi phải ủ thức ăn trong những trang trại qui mô lớn.
Để khắc phục nhược điểm nói trên, ông Vũ Đình Thịnh cùng các cộng sự thuộc công ty Cổ phần Công nghệ Nhân Hòa đã nghiên cứu phát triển và chế tạo thành công dòng máy ủ thức ăn chăn nuôi thông minh, mang thương hiệu AFF (Animal Feed Fermentation).
|
Máy ủ thức ăn chăn nuôi có thể xử lý rất nhiều nguyên liệu cùng một lúc |
Dòng máy này được phát triển trên nền tảng các công nghệ ủ siêu nhanh, xử lý nguyên liệu thông minh, có thể xử lý rất nhiều nguyên liệu cùng một lúc, như cho đồng thời ngô hạt, cá tươi, rau tươi, thân cây chuối... vào máy để ủ, không cần sơ chế riêng từng loại như ủ bằng các phương pháp khác.
Các chi phí như tiêu thụ điện năng, nhân công, bảo trì thiết bị trong khai thác đều rất thấp. Thức ăn làm ra có chất lượng tốt, hoàn toàn có thể thay thế cám công nghiệp với giá thành rẻ hơn do tận dụng được mọi nguồn nguyên liệu dư thừa (thức ăn thừa, các phụ phẩm nông nghiệp…).
Hiện nay, máy ủ thức ăn AFF đã được chuyển giao cho Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên (thuộc Hội Nông dân Thái Nguyên) và một số trang trại nhỏ để ủ thức ăn để nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Vũ Đình Thịnh cho biết, với thiết bị này, Công ty có thể chế tạo ra nhiều cỡ máy khác nhau để áp dụng cho các qui mô chăn nuôi từ nhỏ đến lớn và sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Gặp gỡ Người Việt sáng chế chiếc khẩu trang đầu tiên chống lại 99% virus Sars-CoV-2:
Quỳnh Hương