Chính phủ vừa cho phép Tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) do tỷ phú Elon Musk sáng lập cung cấp thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink cho người dùng tại Việt Nam. Hai loại hình dịch vụ viễn thông qua vệ tinh dự kiến sẽ được triển khai thí điểm gồm: dịch vụ cố định vệ tinh (truy nhập Internet; kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động); dịch vụ di động vệ tinh (truy nhập Internet trên biển, trên máy bay).
Sau đây là tổng quan kinh nghiệm quản lý dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Ấn Độ và Brazil, hai quốc gia có nhiều điểm gần gũi với Việt Nam về kinh tế và xã hội.
 |
Internet vệ tinh có vai trò lớn trong việc phổ cập kết nối số đến những vùng sâu, vùng xa và khu vực thiên tai. Ảnh: The Daily Galaxy. |
Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những quốc gia đang phát triển có thị trường viễn thông lớn nhất thế giới, với hàng trăm triệu người dân sống tại các vùng nông thôn và khu vực chưa được kết nối Internet chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, dịch vụ Internet vệ tinh như Starlink được xem là một giải pháp tiềm năng để thu hẹp khoảng cách công nghệ thông tin giữa các vùng. Dù vậy, Chính phủ Ấn Độ có cách tiếp cận đặc biệt thận trọng đối với Starlink, thể hiện rõ định hướng ưu tiên chủ quyền số, an ninh thông tin và lợi ích doanh nghiệp nội địa hơn là mở cửa ồ ạt cho công nghệ nước ngoài.
Ngay từ khi Starlink manh nha triển khai dịch vụ tại Ấn Độ vào năm 2021, SpaceX đã chủ động tiếp thị và cho phép người dân đặt trước thiết bị thu tín hiệu. Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng vấp phải phản ứng quyết liệt từ Bộ Viễn thông Ấn Độ. Chính phủ yêu cầu Starlink dừng ngay mọi hoạt động quảng bá và đặt hàng, với lý do công ty chưa được cấp bất kỳ giấy phép hợp pháp nào để cung cấp dịch vụ viễn thông tại quốc gia này. Ấn Độ khẳng định, bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ internet nào, bao gồm cả qua vệ tinh, đều phải tuân thủ đầy đủ quy trình cấp phép, đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý chặt chẽ về phổ tần, nội dung và an ninh mạng.
Một yếu tố quan trọng trong chính sách của Ấn Độ là việc bảo vệ ngành công nghiệp viễn thông trong nước. Các nhà mạng lớn của Ấn Độ như Jio và Bharti Airtel đang trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng vệ tinh của riêng mình – đặc biệt là thông qua dự án OneWeb, trong đó Bharti là cổ đông lớn. Nếu để Starlink phát triển tự do, nguy cơ mất cân bằng thị trường là rất lớn. Do đó, Chính phủ áp dụng nguyên tắc “cạnh tranh có kiểm soát” nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa xây dựng năng lực trước khi phải đối đầu với những tên tuổi toàn cầu như SpaceX.
Ngoài yếu tố kinh tế, vấn đề an ninh mạng và chủ quyền dữ liệu cũng là một mối quan tâm hàng đầu của Ấn Độ. Chính phủ nước này đặt ra yêu cầu rõ ràng rằng mọi dịch vụ viễn thông, bao gồm cả từ vệ tinh, phải đảm bảo dữ liệu người dùng được lưu trữ tại Ấn Độ và tuân thủ các quy định về truy xuất thông tin khi có yêu cầu từ nhà chức trách.
Đáng chú ý, Ấn Độ đã xây dựng khung pháp lý mới cho Internet vệ tinh trong Luật Viễn thông sửa đổi. Starlink hoàn toàn có cơ hội hoạt động tại Ấn Độ trong tương lai, nhưng phải trải qua quy trình cấp phép minh bạch, phù hợp với lợi ích chiến lược của đất nước.
Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy một cách tiếp cận rất thực dụng và tỉnh táo: Không vội vàng chạy theo công nghệ, mà ưu tiên xây dựng nền tảng pháp lý, kỹ thuật và công nghiệp trong nước trước khi hội nhập sâu hơn với hạ tầng toàn cầu. Đây là một chiến lược “đón đầu nhưng có chọn lọc”, đặc biệt phù hợp với các quốc gia đông dân, có năng lực công nghệ đang lên và muốn kiểm soát chặt chẽ không gian mạng.
Brazil
Brazil là quốc gia đầu tiên ở khu vực Nam Mỹ cho phép dịch vụ Internet vệ tinh Starlink đi vào hoạt động. Với diện tích rộng lớn và dân cư phân bố không đều, vùng rừng Amazon và miền núi xa xôi của Brazil từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận hạ tầng viễn thông truyền thống. Trong bối cảnh đó, Starlink được kỳ vọng là một giải pháp đột phá để phủ sóng internet toàn quốc. Cách tiếp cận của Chính phủ Brazil với Starlink thể hiện rõ nỗ lực cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới và bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia.
Cụ thể, Cơ quan Viễn thông Quốc gia Brazil (ANATEL) đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý minh bạch và linh hoạt, giúp Starlink nhanh chóng tiếp cận thị trường nhưng vẫn nằm trong sự giám sát của chính quyền. Starlink được ANATEL cấp phép hoạt động vào tháng 1/2022, sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan đến cấp phép sử dụng tần số, quy định kỹ thuật và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí theo pháp luật Brazil.
Một điểm nổi bật trong mô hình quản lý tại Brazil là cách Chính phủ sử dụng Starlink như một công cụ hỗ trợ chính sách xã hội. Bộ Truyền thông Brazil đã phối hợp với Starlink để triển khai kết nối internet tại hơn 19.000 trường học ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là khu vực Amazon – nơi tỷ lệ truy cập internet trước đó cực kỳ thấp.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho Starlink hoạt động, Brazil cũng thể hiện lập trường thận trọng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và môi trường. Năm 2023, sau khi có thông tin một số nhóm khai thác vàng trái phép tại Amazon sử dụng thiết bị Starlink để liên lạc và che giấu hoạt động, Chính phủ Brazil đã vào cuộc kiểm tra và siết chặt việc sử dụng dịch vụ này trong các khu vực nhạy cảm. Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Brazil thậm chí đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét thiết bị Starlink lắp đặt trái phép, đồng thời yêu cầu công ty hợp tác cung cấp dữ liệu để điều tra hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mặt khác, ANATEL cũng yêu cầu Starlink tuân thủ đầy đủ các quy định về lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin người dùng và chia sẻ hạ tầng với các cơ quan chức năng khi cần thiết. Brazil không cấm đoán, nhưng luôn nhấn mạnh tính minh bạch, khả năng kiểm soát và truy xuất thông tin phải nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Từ góc độ phát triển thị trường, Brazil không đặt ra rào cản lớn đối với các công ty cung cấp internet vệ tinh, nhưng luôn khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều được tham gia thị trường nếu tuân thủ các điều kiện cấp phép công khai, đóng góp cho mục tiêu phổ cập internet và không làm xói mòn năng lực kiểm soát thông tin của nhà nước.
Kinh nghiệm từ Brazil là một ví dụ điển hình cho tư duy quản lý thực dụng nhưng không dễ dãi: Tạo điều kiện cho công nghệ phục vụ lợi ích công cộng, nhưng luôn giữ thế chủ động trong kiểm soát và bảo vệ không gian mạng quốc gia. Việc lồng ghép mục tiêu phát triển số vào các chính sách giáo dục, y tế, môi trường, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, giúp Brazil tận dụng tốt nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ mà vẫn giữ được định hướng phát triển bền vững, độc lập và tự chủ.
Thanh Bình