Độc đáo sáng chế phòng chống thiên tai “made in Việt Nam”

Google News

Từ những sáng chế độc đáo như đê càng cua, tường hắt sóng đến quyết định táo bạo “cắt sông, chuyển dòng” cứu đê Quản Xá, GS Lương Phương Hậu đã để lại dấu ấn bền vững trong ngành trị thủy, phòng chống thiên tai Việt Nam.

Trong lịch sử dựng xây và bảo vệ đất nước, không ít sáng kiến kỹ thuật “tại chỗ” đã trở thành những tấm lá chắn vững vàng, giúp các vùng đất ven biển, cửa sông vượt qua sự tàn phá khốc liệt của thiên tai. Dưới bàn tay và trí tuệ của các chuyên gia trị thủy hàng đầu, những giải pháp ấy không chỉ hiệu quả về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất Việt Nam.
Những sáng chế mang đậm dấu ấn Việt như đê càng cua, tường hắt sóng, khối phá sóng Tetrapod, kỹ thuật đảo chiều hoàn lưu hay phương án cắt sông chuyển dòng – được triển khai bởi GS.TS.NGƯT Lương Phương Hậu và cộng sự – không chỉ góp phần bảo vệ hàng chục ngàn sinh mạng mà còn cho thấy khả năng tự lực, sáng tạo của ngành trị thủy nước nhà trong những thời khắc quyết định.
Doc dao sang che phong chong thien tai “made in Viet Nam”
Chân dung GS.TS Lương Phương Hậu, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chỉnh trị sông và bảo vệ bờ biển Việt Nam
Những công trình đi trước thời đại
Giữa thập niên 1990, khi vùng cửa sông Phan Thiết đối mặt với hiện tượng bồi lấp luồng tàu và xói lở nghiêm trọng, một thiết kế lạ lẫm đã xuất hiện: hệ thống hai tuyến đê “càng cua” – một giải pháp hoàn toàn mới trong ngành chỉnh trị sông. Không chỉ giúp ổn định luồng tàu và kiểm soát phù sa hiệu quả, công trình này đến nay vẫn hoạt động ổn định sau gần 30 năm, mà không cần đến các thiết bị công nghệ hiện đại hay vật liệu nhập khẩu.
Doc dao sang che phong chong thien tai “made in Viet Nam”-Hinh-2
Công trình đê "càng cua" ở cảng cá Phan Thiết do GS Lương Phương Hậu nghiên cứu, thi công. 
Cùng thời điểm đó, tại bờ biển Nha Trang, một loạt công trình chỉnh trang đô thị ven biển được triển khai, với điểm nhấn là hệ thống tường hắt sóng thủy động lực – lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Không giống những bức kè bê tông thông thường, kết cấu tường hắt sóng này giúp phản xạ và tiêu tán năng lượng sóng, giảm thiểu xói lở trong khi vẫn giữ được tính thẩm mỹ và không gian tiếp cận biển. Kết hợp với khối phá sóng Tetrapod, giải pháp này đã bảo vệ bờ biển Nha Trang suốt ba thập kỷ mà không cần gia cố lớn.
Doc dao sang che phong chong thien tai “made in Viet Nam”-Hinh-3
Những khối chắn sóng Tetrapod tại bờ biển Nha Trang sau 30 năm đã trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng của người dân địa phương và du khách. 
Không chỉ có đê “càng cua”, các khối Tetrapod và tường “hắt sóng”, giải pháp đảo chiều hoàn lưu do GS.TS Lương Phương Hậu đề xuất cho tuyến đê sông Dinh (Phan Rang) cũng là một bước đột phá. Bằng cách thay đổi hướng dòng chảy, công trình không chỉ chống xói mà còn ổn định dòng dẫn trong điều kiện thi công khẩn cấp và ngân sách hạn hẹp. Điều đặc biệt, giải pháp này đã được công nhận là sáng chế độc quyền kỹ thuật, một trong số ít sáng chế công trình giao thông – thủy lợi nội địa có đăng ký bản quyền.
Doc dao sang che phong chong thien tai “made in Viet Nam”-Hinh-4
Công trình đảo chiều hoàn lưu của GS Lương Phương Hậu tại Phan Rang. 
Đê Quản Xá – biểu tượng của bản lĩnh khoa học Việt
Một trong những công trình được đánh giá là "vượt rào kỹ thuật" ấn tượng nhất là dự án đê Quản Xá tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là tuyến đê xung yếu nhất tỉnh, thường xuyên bị lũ lớn đe dọa. Khi mọi phương án bảo vệ truyền thống đều thất bại, GS.TS Lương Phương Hậu đã đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ: cắt sông – tách dòng chủ lưu bằng kênh mồi nhân tạo, tạo luồng xả riêng giúp giảm áp lực nước lũ lên đoạn đê xung yếu.
Dù gây tranh cãi lúc ban đầu, công trình được triển khai thành công và hoạt động ổn định cho tới hôm nay – ba thập kỷ sau, không có một sự cố vỡ đê nào xảy ra.
“Thầy ơi, mạo hiểm đấy! Thầy phải cam kết thành công, không được phép thất bại ví nó liên quan đến tính mạng của hàng ngàn người” – ông Phan Sỹ Kỳ, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi khi ấy đã nói thế với tôi khi nghe tôi đề xuất cắt dòng sông Chu để cứu đê Quản Xá. Nhưng tôi đã làm đồ án này từ khi còn sinh viên. Tôi tin là được, miễn là cho tôi làm mô hình. Và khi làm thật, mùa lũ đầu tiên, 35% dòng chảy chuyển hướng. Ba mươi năm nay dân không còn phải thức trắng giữ đê nữa. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người làm thủy lợi.” GS Lương Phương Hậu kể về công trình đê Quản Xá ở sông Chu.
Doc dao sang che phong chong thien tai “made in Viet Nam”-Hinh-5
GS Hậu quay lại thăm công trình đê Quản Xá sau 30 năm 
Tuy nhiên, giải pháp “cắt dòng chủ lưu” này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong đào tạo kỹ thuật hoặc các tiêu chuẩn thiết kế quốc gia, một phần vì thiếu cơ chế cập nhật tri thức thực địa vào hệ thống lý luận.
Vì sao những sáng chế này chưa được lan tỏa?
Trên thực tế, nhiều giải pháp kỹ thuật “made in Vietnam” như trên vẫn đang nằm trong “ngăn kéo” của các chuyên gia, hoặc chỉ tồn tại dưới dạng báo cáo kỹ thuật, chưa được biên soạn thành giáo trình chuẩn, chưa có mã số thiết kế kỹ thuật hay cơ sở pháp lý để tái áp dụng trong các địa phương khác.
Nguyên nhân sâu xa là sự thiếu liên kết giữa ba khâu: nghiên cứu – triển khai – chuẩn hóa. Những sáng kiến ra đời từ thực tiễn thường không được ghi nhận trong các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, cũng không có cơ chế để các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận. Mặt khác, việc đăng ký sáng chế và thương mại hóa trong lĩnh vực thủy công – phòng chống thiên tai hiện vẫn còn xa lạ, vì quy trình phức tạp và không có đơn vị đứng ra đảm nhiệm vai trò cầu nối.
Cần một “ngân hàng sáng chế” cho phòng chống thiên tai
Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc bảo tồn và khai thác các sáng chế nội địa không còn là chuyện hoài niệm, mà là nhu cầu sống còn. Một số chuyên gia đề xuất thành lập Ngân hàng sáng chế ứng dụng trong phòng chống thiên tai, nơi lưu trữ, mã hóa và chia sẻ các giải pháp kỹ thuật thực tế đã thành công ở các địa phương – từ chỉnh trị dòng sông, chống xói lở bờ biển, đến ổn định địa hình vùng lũ.
Ngân hàng này không chỉ là nơi lưu trữ tri thức, mà còn là nơi kết nối giữa nhà khoa học – nhà thiết kế – nhà quản lý. Việc chuẩn hóa những giải pháp như: các khối Tetrapod, đê “càng cua”, tường “hắt sóng”, “hoàn lưu đảo chiều” hay “kênh mồi cắt sông” sẽ giúp chúng có cơ hội tái sử dụng linh hoạt hơn ở các vùng địa hình khác nhau, mà không phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiện diện của tác giả gốc.

Mời quý độc giả xem video các công trình độc đáo "Made in Việt Nam" do chính GS Lương Phương Hậu và cộng sự phát kiến, đưa vào ứng dụng thực tế ở Việt Nam.


Trần Liên