Lợi dụng tích xanh Facebook, tinh vi lừa đảo "móc túi" người dùng

Google News

Khi chỉ cần trả phí là có thể sở hữu tích xanh, người dùng mạng xã hội đang đứng trước nguy cơ mất tiền, mất danh dự... chỉ vì một biểu tượng tưởng chừng vô hại.

Từng được coi là biểu tượng của sự xác thực và đáng tin cậy trên mạng xã hội, "tích xanh" Facebook giờ đây đang trở thành công cụ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi.
Tích xanh trở thành biểu tượng bị lạm dụng
Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo từ những tài khoản Facebook có tích xanh. Ban đầu, dấu tích xanh là biểu tượng xác nhận tính "chính chủ" được cấp cho những tài khoản của người nổi tiếng, các thương hiệu lớn hay các tổ chức uy tín, nhằm tạo niềm tin cho người dùng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2023, khi Meta ra mắt dịch vụ Meta Verified cho phép bất kỳ ai có thể mua tick xanh với mức phí khoảng 12 USD/tháng, dấu tích xanh dần mất đi ý nghĩa "bảo chứng" duy nhất của các tài khoản nổi tiếng.
Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ đăng ký tích xanh "miễn phí" hoặc không yêu cầu xác minh thông tin đầy đủ đã bùng phát. Những kẻ lừa đảo lợi dụng niềm tin sẵn có của người dùng vào dấu tích xanh để tạo ra các fanpage giả mạo, mạo danh các cơ quan, tổ chức lớn như Bộ Tài chính, Cục An ninh, hay các thương hiệu nổi tiếng. Các trang Facebook giả mạo này thường sử dụng các mánh khóe để thay đổi tên, đổi danh tính quản trị viên hoặc thậm chí chuyển vùng quản lý sang các quốc gia khác nhằm che đậy nguồn gốc thật sự.
Loi dung tich xanh Facebook, tinh vi lua dao
Những trang facebook có tick xanh nhưng là giả mạo, lập ra để lừa đảo. Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An 
 
Trường hợp điển hình mới đây, trang Thông tin Chính phủ cảnh báo người dân về việc xuất hiện fanpage giả mạo Bộ Tài chính có tên "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" có tích xanh sử dụng hình ảnh và thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính "thu hồi tiền" cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Trang này yêu cầu người dân nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân và chuyển một khoản tiền "lệ phí" hoặc "chi phí xử lý" để nhận lại số tiền đã bị mất. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, trang này không thực hiện bất kỳ thao tác hỗ trợ hay liên hệ giải quyết nào.
Bộ Tài chính khẳng định, trang facebook "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" (hoặc tương tự) giả mạo Bộ Tài chính.
Không chỉ vậy, nhiều đối tượng lập fanpage giả mạo thương hiệu nổi tiếng, sau đó dùng chiêu trò kỹ thuật để xin cấp tích xanh từ Facebook. Vụ việc khách đặt phòng qua fanpage có tích xanh tại khu nghỉ dưỡng tại Ninh Bình mất hơn một tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Theo trình báo của bà T (ở Hải Phòng) mới đây, bà đặt phòng ở resort Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ từ 31/1 tới 3/2. Sau khi nhắn tin và được tư vấn trên trang fanpage của khu nghỉ dưỡng, bà T chốt phòng và chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng 6,5 triệu đồng/2 phòng.
Không lâu sau đó, nhân viên tư vấn xưng danh khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung. Nội dung chuyển khoản phải là mã đặt phòng, nếu khách chuyển sai nội dung, hệ thống không đọc được và không giữ được phòng đặt.
Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung. Những lần tiếp theo, nhân viên tư vấn giục khách chuyển cọc sớm trong thời gian khuyến mại và sao chép mã do "khu nghỉ dưỡng" cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận, hoàn trả tiền cọc ban đầu. Bà T nhập mã chuyển 39,5 triệu đồng; 125,6 triệu đồng; 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng, bà T mới biết đã bị lừa và báo công an.
Tỉnh táo kiểm tra nguồn gốc tài khoản  
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thận trọng, cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, làm hồ sơ thu hồi tiền.
Đáng chú ý, các trang Facebook này được nhà cung cấp dịch vụ xác thực tích xanh để tăng uy tín, nhằm đánh lừa người dân.
Nhiều người do nhầm lẫn, nghĩ các trang ghi thông tin Bộ Công an, lại được xác thực tích xanh, là trang uy tín nên đã liên hệ để nhờ hỗ trợ. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để hỗ trợ. Nhiều nạn nhân đã bị lừa, nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo và chuyển tiền.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo này. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, làm hồ sơ thu hồi tiền.
Loi dung tich xanh Facebook, tinh vi lua dao
Các tài khoản Facebook có dấu tích xanh không còn đáng tin cậy như trước đây.
 
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các Fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch.
Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng.
Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) khuyến cáo: “Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại”.
Loi dung tich xanh Facebook, tinh vi lua dao
nTrust là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh (smartphone), giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thủ đoạn lợi dụng tài khoản Facebook tích xanh để lừa đảo người dùng là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể bị xử lý hình sự theo quy định hiện hành. Tài khoản Facebook tích xanh thường được coi là tài khoản chính chủ, có độ tin cậy cao hơn, do đó, việc lợi dụng tính chất này để lừa đảo sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người dùng và xã hội.
Theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là việc sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc lợi dụng tài khoản Facebook tích xanh để giả mạo, lừa đảo người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể được xem là hành vi lừa đảo. Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt lớn hơn, mức phạt sẽ tăng lên, có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, theo Điều 341 của Bộ luật Hình sự 2015, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cũng có thể được áp dụng nếu người lừa đảo sử dụng các tài liệu giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm.
Loi dung tich xanh Facebook, tinh vi lua dao
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Theo đó, người sử dụng tài khoản tích xanh để thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc. Người phạm tội không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội còn có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm khác.
Để kiểm tra mức độ tin cậy của một trang Facebook, người dùng có thể xem các thông tin về tính minh bạch của trang Facebook này. Để thực hiện điều này, bạn truy cập vào trang Facebook muốn kiểm tra thông tin, nhấn vào mục "Giới thiệu". Tại giao diện hiện ra, bạn nhấn vào mục "Tính minh bạch của trang" và nhấn nút "Xem tất cả".
Tại hộp thoại hiện ra, bạn sẽ thấy rõ thông tin chi tiết về trang Facebook, bao gồm ngày lập trang, những lần đổi tên trang và danh sách các quản trị viên của trang Facebook.
Nếu một trang Facebook mới được thành lập hoặc thường xuyên đổi tên trang, mà tên gọi không liên quan đến nhau, rất có thể đây là một trang Facebook được lập ra với mục đích lừa đảo.
Sở dĩ có điều này vì tin tặc có thể tấn công và chiếm đoạt một trang Facebook có lượng người theo dõi lớn, sau đó đổi tên trang và gắn dấu tích xanh để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, dựa vào thông tin quản trị viên của trang Facebook, bạn cũng có thể đoán được đó có phải là trang giả mạo hay không.
Nếu một trang Facebook thường cung cấp thông tin về Việt Nam hoặc mang tên một người nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng lại có danh sách quản trị viên ở nước ngoài thì gần như chắc chắn đây cũng sẽ là trang Facebook giả mạo nhằm lừa người dùng truy cập vào các trang web có chứa mã độc.
Một điều người dùng cần kiểm tra kỹ đó là lượt tương tác với các bài viết trên trang Facebook. Nhiều người thường chủ quan khi thấy các bài đăng giới thiệu sản phẩm, chào bán dịch vụ… có lượt tương tác cao hoặc nhiều bình luận khen ngợi, hưởng ứng… nên tin tưởng vào nội dung của bài viết.
Tuy nhiên, các trang Facebook giả mạo thường sử dụng các công cụ để tăng lượt tương tác ảo, bao gồm số lượng người nhấn "Thích" hoặc các bình luận trên bài viết.
Để kiểm tra xem lượt tương tác trên trang Facebook có phải là giả hay không, bạn mở danh sách các tài khoản đã tương tác với bài viết và truy cập vào trang cá nhân của những tài khoản này. Bạn có thể dễ dàng nhận ra chủ yếu những tài khoản tương tác đều là tài khoản giả mạo, mới được lập hoặc hầu như không hoạt động trên Facebook.
                                   Theo Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An
 
Thiên Trang