Giả danh nhân viên điện lực, lừa đảo móc tiền khách hàng

Google News

Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo qua điện thoại đã xuất hiện với mức độ ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm vào người dân mà ngay cả các lãnh đạo doanh nghiệp cũng trở thành mục tiêu.

Mới đây, Phó Giám đốc một Công ty Điện lực đã bị kẻ gian gọi điện giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn lừa đảo qua điện thoại và sự cần thiết phải nâng cao cảnh giác.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực. Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng. Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.
Gia danh nhan vien dien luc, lua dao moc tien khach hang
Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) (Ảnh: NCSC) 
Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán. Tin nhắn hoặc cuộc gọi thường có nội dung như: "Thông báo tiền điện của bạn tháng này chưa thanh toán. Vui lòng thanh toán qua tài khoản ngân hàng dưới đây để tránh bị cắt điện." hoặc "Hệ thống ghi nhận hóa đơn điện của bạn chưa thanh toán. Để tránh cắt điện, vui lòng thanh toán ngay."
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực để khách hàng truy cập vào. Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ. Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hoá đơn điện,... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.
Gia danh nhan vien dien luc, lua dao moc tien khach hang-Hinh-2
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện . (Ảnh: NCSC) 
Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.
Vừa qua, Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ khách hàng tên Khoa về việc đã thanh toán hóa đơn tiền điện định kỳ bằng ứng dụng ngân hàng nhưng có người tự xưng là nhân viên điện lực gọi từ số điện thoại 0901.846.395 báo anh chưa thanh toán tiền điện và đe dọa cắt điện.
Qua tìm hiểu và xác minh thông tin, số điện thoại 0901.846.395 không phải của cán bộ nhân viên Điện lực TP. Kon Tum. Do đó, đơn vị xác định đây là cuộc gọi lừa đảo, khuyến nghị khách hàng không làm theo hướng dẫn.
Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Giám đốc PC Kon Tum cho biết, chính ông cũng đã nhận cuộc gọi tương tự từ số điện thoại 0917.514.193. Để có thêm thông tin cảnh báo, ông Hùng đã chủ động ghi âm cuộc gọi và chuyển cho Phòng Kinh doanh cùng các điện lực trực thuộc.
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Trước tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) khẳng định không thu tiền qua Zalo và tin nhắn SMS, cảnh báo người dân không thanh toán tiền điện qua các kênh này. Đồng thời nhấn mạnh, khi giao tiếp với khách hàng, nhân viên điện lực đều tuân thủ nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, tuyệt đối không có thái độ khiếm nhã, không được phép sử dụng lời nói bất lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng hoặc đường link lạ, tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điện năng hoặc các dịch vụ liên quan, người dân có thể liên hệ trực tiếp Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc theo số 19006769 (phục vụ 24/7) hoặc truy cập trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (https://cskh.npc.com.vn).
Gia danh nhan vien dien luc, lua dao moc tien khach hang-Hinh-3
Người dân cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính. (Ảnh: ANTT) 
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần lưu ý:
- Cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.
- Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng.
- Trong trường hợp nhận được tin nhắn hoặc Email có chứa đường dẫn yêu cầu thanh toán, hãy thực hiện kiểm tra tính chính thống và tránh truy cập ngay lập tức vào những đường dẫn này.
- Tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến.
- Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức. Tổng công ty Điện lực EVN đã và đang triển khai thu tiền điện qua ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử (Payoo, Airpay, MoMo, Viettel Pay, VNpay, VNPT EPay…), Internet/SMS/Mobile Banking, Website/Ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).
- Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về khung hình phạt dành cho các hành vi lừa đảo trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với hành vi giả danh nhân viên Điện lực nhằm chiếm đoạt tiền của người khác có thể sẽ bị xử phạt về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Có thể hiểu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.
Gia danh nhan vien dien luc, lua dao moc tien khach hang-Hinh-4
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà có các hình thức xử phạt khác nhau có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng. Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng.
Để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn trên, không thanh toán tiền điện vào tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điện năng hoặc các dịch vụ liên quan, người dân có thể liên hệ trực tiếp Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực để được giải đáp và hướng dẫn cụ thể.
Các số điện thoại tổng đài Chăm sóc khách hàng ngành Điện:
- Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): 19006769
- Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): 19001909
- Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): 19001006/19009000
- Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI): 19001288
- Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC): 1900545454
 
Thiên Trang