Zing.vn trích dịch các bài đăng trên Global Times, China Youth Daily và Inkstone về xu hướng giới trẻ Trung Quốc sinh sống và làm việc ở thành thị ngày càng thích nuôi thú cưng để bớt cô đơn và áp lực.
Vừa tan ca tại công ty IT, Li Yuhang, 24 tuổi, nhanh chân trở về căn hộ ở Thẩm Quyến, thành phố được gọi là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc.
Suy nghĩ Ruby – tên của chú mèo Xiêm của Li – đang đợi ở nhà khiến chàng thanh niên cảm thấy háo hức hơn.
Li, một lập trình viên, là đại diện của nhóm “smoke cat” – từ dùng để chỉ những người "nghiện" thú cưng bao gồm thích chơi đùa, vuốt ve, thậm chí ngửi mùi các vật nuôi bốn chân – đang ngày càng phổ biến trong thế hệ Y (sinh từ năm 1980 đến giữa những năm 90) tại đất nước tỷ dân.
“Một mình ở thành phố này tôi sẽ rất cô đơn. Ruby giống như con gái của tôi vậy”, 9X nói.
|
Giới trẻ Trung Quốc nuôi thú cưng vì muốn có bạn đồng hành trong cuộc sống. Ảnh: Reuters. |
Ngành công nghiệp thú cưng bùng nổ
Giống Li, Linda (25 tuổi) cũng là một “smoke cat”. Cô nhân viên văn phòng đang sống và làm việc tại thủ đô Bắc Kinh, nuôi một con mèo giống Scottish Fold được hơn 2 năm.
Linda cho biết con mèo có giá hơn 3.000 nhân dân tệ (khoảng 436 USD) và trung bình mỗi tháng cô tiêu từ 300-500 nhân dân tệ (khoảng 43,6-72,7 USD) để chăm sóc người bạn bốn chân này.
Lida thừa nhận mình yêu mèo và hơn cả, cô cần nó khi sống một mình giữa thành phố rộng lớn.
Mời quý vị xem video: Thanh niên tắm, xỉa răng cho rắn khổng lồ như là thú cưng
Lớn lên ở một đất nước từng coi thú nuôi trong nhà là điều xa xỉ, những người trẻ Trung Quốc ngày nay không tiếc tiền nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động vật với hy vọng có bạn đồng hành.
Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ ăn theo thú cưng.
|
Khái niệm "smoke cat" chỉ những người nghiện thú cưng ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Năm 2018, ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc trị giá hơn 170 tỷ nhân dân tệ (24,7 tỷ USD) và ước tính đạt 200 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD) vào năm 2020.
Những người sinh sau năm 1980 là đối tượng khách hàng chủ yếu của các dịch vụ này.
Báo cáo về tiêu thụ sản phẩm của CBNData cho thấy ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua, đặc biệt là thị trường trực tuyến.
Năm ngoái, khoảng 89% chủ sở hữu đã mua các sản phẩm trực tuyến, tăng khoảng 30% so với năm 2017, theo Xinhua.
Báo cáo cho thấy phụ nữ và những người sinh sau năm 1990 là đối tượng tiềm năng nhất của "nền kinh tế thú cưng" Trung Quốc, trong đó, thế hệ 9X, 10X đóng góp hơn 40% doanh số bán hàng trực tuyến trong năm 2018.
Thế hệ con một thiếu bạn đồng hành
Song Xuan, giáo sư tâm lý học tại ĐH Quan hệ Lao động Trung Quốc, nói với China Youth Daily rằng nhiều người trẻ đang chuyển sang nuôi thú cưng vì cảm thấy thiếu mối quan hệ thân mật và mong muốn có bạn đồng hành.
Ông Song chỉ ra rằng nhiều người sinh sau những năm 1980 là những đứa con một trong gia đình. Đa số làm việc ở các thành phố lớn và từ chối kết hôn sớm.
"Đối với những người trẻ tuổi độc thân, thú cưng có thể giúp họ cảm thấy bớt cô đơn. Đôi khi họ còn coi chúng như con mình", giáo sư nói.
Nhiều chuyên gia khác chỉ ra rằng giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều áp lực và ngày càng xa lánh các mối quan hệ xã hội.
|
Không chỉ bớt cô đơn, nhiều người cho biết họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi chăm sóc người bạn bốn chân. Ảnh: VCG, Jérôme Favre. |
Thời gian giải trí trung bình cho người dân Trung Quốc đang giảm dần. Năm 2017, mỗi người dân thành thị có ít hơn 2,27 giờ mỗi ngày cho các hoạt động giải trí, theo báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Căng thẳng do phải làm việc nhiều, thiếu thời gian giải trí, đầu tư cho các mối quan hệ thân thiết, nhiều người trẻ chọn cách nuôi thú cưng.
Theo Mary Peng, người sáng lập Trung tâm Dịch vụ Thú y Quốc tế tại Bắc Kinh, không chỉ tận hưởng những điều thú vị mà thú cưng mang lại, nhóm “smoke cat” như Linda và Li cũng đang phải học cách chăm sóc người bạn bốn chân của mình.
Khi mới mua Ruby, Li thường phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để chạy về nhà và nấu món ức gà. Chú mèo của anh không thích ăn đồ nguội. Li cũng phải học cách thức dậy lúc nửa đêm mỗi khi Ruby muốn đi vệ sinh.
Tuy nhiên thay vì cảm thấy bất tiện, chàng thanh niên 24 tuổi nói anh cảm thấy thời gian của mình có ích và thú vị hơn từ khi có "con gái".
Theo Huệ Lâm/ Zing